Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên trình bày Tờ trình về dự án Luật Đa dạng sinh học |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Việt Nam được biết đến như một trung tâm đa dạng sinh học với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng, là nơi còn lưu giữ nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị, đặc biệt là các cây thuốc, các loài hoa, cây cảnh nhiệt đới.v.v. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nhanh, nước ta chưa có hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học với tư cách là một lĩnh vực pháp lý cụ thể.
Từ thực trạng trên, việc xây dựng và ban hành Luật Đa dạng sinh học là cần thiết. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, luật hóa có hệ thống và thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, "nội luật hóa" các điều ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.
Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đa dạng sinh học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh nhấn mạnh, các điều khoản của dự thảo Luật Đa dạng sinh học rất khả thi vì đã quy định khá toàn diện, cụ thể các vấn đề của việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Việc ban hành Luật Đa dạng sinh học sẽ tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự án Luật Đa dạng sinh học có 10 chương với 90 điều quy định cụ thể về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; Bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật; Tiếp cận, đánh giá nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Lưu giữ và bảo quản mẫu vật di truyền; Quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại môi trường; Hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học; Trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học... |
Thảo luận tại Hội trường, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều tán thành việc cần thiết xây dựng, ban hành cũng như tên gọi của dự án Luật. Các đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai), Lê Minh Hồng (Hà Nam) Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đề nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật phải luôn quan tâm tới tính thống nhất và hài hòa với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt cần lưu ý tới phạm vi điều chỉnh của Luật trên cơ sở phân định hợp lý, rõ ràng với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Đa dạng sinh học |
Về nuôi sinh sản thương mại các loại động vật hoang dã, quý hiếm cần được bảo vệ, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc và tiến hành khảo sát kỹ nhu cầu hiện nay. Cần có quy định chặt chẽ về điều kiện, về chủ thể và số lượng cơ sở được phép nuôi, nguồn cung cấp con giống, cũng như các quy định về trách nhiệm kiểm soát, quản lý thế hệ mới sinh ra, nhằm tránh sự lợi dụng để kinh doanh động vật hoang dã bất hợp pháp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi lợi dụng trách nhiệm bảo vệ các khu bảo tồn để khai thác, hủy diệt đa dạng sinh học.
Thông qua 3 Luật
Với đại đa số phiếu tán thành, chiều 2/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 Luật: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.
Nguyễn Hoàng