Không như các lĩnh vực khác, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, khi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, vấn đề thu hồi vốn chậm. Việc để có một quỹ đất lớn để phát triển cũng không mấy dễ dàng. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp khi muốn mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư vào nông nghiệp.
Như với HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc tại TPHCM, trong khi nhu cầu về rau sạch của Thành phố ngày một lớn, nhưng 4.000 m2 trồng rau công nghệ cao của HTX, cũng chỉ cung ứng được khoảng 1 tấn rau sạch cho thị trường này mỗi ngày. Do đó, HTX đã quyết định mở rộng diện tích lên 10.500 m2. Thế nhưng lại vướng các vấn đề về thuê đất để xây dựng nhà kính, nhà màng. Do đó, họ buộc phải di dời vùng trồng sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Ninh Thuận. Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết, vì không thể có vùng nguyên liệu tập trung nên hoạt động quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất gặp khó khăn, các chi phí đều đội lên dẫn đến giá thành sản phẩm đối với rau công nghệ cao tương đối cao so với các mô hình truyền thống.
Nhưng với điểm mới ở Điều 192 của Luật Đất đai 2024, khi cho phép tập trung quỹ đất nông nghiệp thông qua phương thức chuyển đổi, cho thuê, hợp tác sản xuất hoặc tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn đất nông nghiệp tại điều 193 đã tháo gỡ những khó khăn mà HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc đang gặp phải. Ông Lâm Ngọc Tuấn chia sẻ thêm, khi tập hợp các diện tích sản xuất về một chỗ, sẽ giúp cho HTX tăng sản lượng rau trên cùng 1 diện tích khoảng 1.000 m2 lên gấp 2-3 lần, chi phí đầu ra giảm tới 45%, giá thành bán rau công nghệ cao sẽ tiệm cận với giá trị trường. Đơn cử, 1 ký rau cải giá thị trường là 15.000-40.000 đồng tuỳ mùa, thì rau từ hệ thống thuỷ canh cũng chỉ bán ở mức cao nhất là 40.000 đồng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, Luật Đất đai 2024 cũng đã trao cho các địa phương quyền quy hoạch lại diện tích đất, tổ chức lại sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thế mạnh phát triển nông nghiệp của từng tỉnh. Điều này tạo thuận lợi cho kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được vận hành một cách lâu dài. Tính liên kết vùng cũng sẽ được thúc đẩy, để phát huy được thế mạnh phát triển nông nghiệp theo vùng.
Rõ ràng, những khó khăn trong việc tích tụ đất đai đã được Luật Đất đai 2024 khơi thông. Điều này, không chỉ mang đến niềm vui cho các HTX hay doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp xanh mà còn tạo cơ hội cho các tỉnh, thành trong cả nước thu hút các nhà đầu tư, rót vốn vào sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ được môi trường.
Hậu Giang là một tỉnh thuần nông với trên 85% diện tích đất nông nghiệp. Đây cũng là tỉnh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khi xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, nâng cao tỉ lệ người dân ứng dụng cơ giới hoá vào các khâu canh tác, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Và để thực hiện được điều này, 3 năm trở lại đây tỉnh đã kêu gọi sự hợp tác, đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là thu hút trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng đến nay, số doanh nghiệp tìm đến để đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, khi đến với Hậu Giang để tìm hiểu đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, yêu cầu đầu tiên của các doanh nghiệp là cần diện tích lớn, để đầu tư bài bản và lâu dài. Nhưng thực tế, tình hình đất sản xuất của tỉnh lại rất manh mún, nhỏ lẻ, nên không thể đáp ứng được các yêu cầu từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những thay đổi của Luật Đất đai 2024, khi ở điều 177 đã nâng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên tới 15 lần hạn mức giao đất của Nhà nước. Đồng thời, cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, vẫn được chuyển nhượng, được tặng cho đất trồng lúa.
Rõ ràng, khi hạn điền được mở thì vấn đề thu hút đầu tư sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều này, mở ra cơ hội rất lớn để các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Ông Nguyễn Phước Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV chia sẻ, với điểm mới này của Luật Đất đai 2024, sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư, dồn điền đổi thửa, sản xuất tập trung, tạo ra những cánh đồng lớn, phù hợp trình độ sản xuất bậc cao, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị khai thác, sử dụng đất. Qua đó, dễ dàng đưa cơ giới hoá vào trong sản xuất, giảm được chi phí đầu vào, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Điều này, còn tạo tiền đề cho việc hỗ trợ người nông dân trong vấn đề bao tiêu lúa gạo với giá tốt, giúp bà con có cuộc sống ổn định. Một điều quan trọng, là khi doanh nghiệp làm chủ được diện tích canh tác, sẽ giúp kế hoạch triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải thấp được đẩy nhanh và có tính lâu dài, ổn định cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, một khi đã thu hút được nhà đầu tư, thì ngành nông nghiệp sẽ có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất, để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đến từ nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các quốc gia khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,... Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
"Hiện nay, nhiều ruộng đất vẫn bị bỏ hoang vì người nông dân canh tác không hiệu quả. Nhưng để cho doanh nghiệp thuê lại hoặc chuyển đổi đất sản xuất thì người nông dân lại không yên tâm. Do đó, cần có người làm trọng tài để giao dịch này được thành công. Vai trò của chính quyền địa phương là rất lớn trong câu chuyện này", ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ.
Thực tế, những thay đổi pháp lý trong Luật Đất đai 2024 phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng, thị trường bất động sản nông nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Những điểm nghẽn trong việc sử dụng đất nông nghiệp một khi đã được giải quyết, sẽ giúp ngành nông nghiệp tiến gần hơn mục tiêu, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành năm 2022.
Hà Duyên