Chiều 15/3, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai chủ trì buổi Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi Luật Đất đai nhằm huy động tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam; các vấn đề cần sửa đổi của Luật Đất đai nhìn từ góc độ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; cơ chế thế chấp quyền sử dụng đất để huy động nguồn vốn quốc tế cho danh nghiệp Việt Nam; xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất…
Cụ thể, về nội dung "các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, đề nghị bổ sung quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư về cơ sở giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao và miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp (tự chủ tài chính), đất xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, các công trình, hạ tầng cảng biển, đường sắt, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội, có lợi cho cộng đồng.
Về nội dung quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, quy định của Dự thảo Luật về điều kiện thực hiện quyền của cá nhân, tổ chức sử dụng đất vẫn còn có khả năng phát sinh rủi ro khi áp dụng, cụ thể như tại Điểm a Khoản 1 Điều 49 Dự thảo Luật quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền của mình khi có "Giấy chứng nhận". Luật sư Hậu cho rằng cần phải bổ sung quy định đầy đủ như nội dung đã được ghi nhận tại Khoản 22 Điều 3 Dự thảo Luật, là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".
Quản lý Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong (MRLG), ông Brian Garcia cho rằng, về cam kết về quyền sử dụng đất bảo đảm của người dân tộc thiểu vẫn còn chưa rõ ràng. Trong đó thiếu một điều khoản công nhận rõ ràng các quyền và tập quán sử dụng đất theo tập tục của đồng bào thiểu số với tư cách là một nhóm hoặc toàn bộ cộng đồng cư dân để giao quản lý, sử dụng đất và hưởng lợi từ đất. Do đó khuyến nghị khẳng định cam kết bảo đảm quyền sử dụng đất của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân đồng bào thiểu số, hài hòa Dự thảo Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Còn ông Seck Yee Chung, đại diện Nhóm Công tác Thương mại và Đầu tư VBF nhìn nhận, định nghĩa của khái niệm "tài sản gắn liền với đất" quá mơ hồ, trong khi khái niệm này ảnh hưởng đến rất nhiều quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong Luật này và các văn bản pháp luật khác. Điển hình là nội hàm của khái niệm này có thể ảnh hưởng đến khả năng thế chấp tài sản tương ứng và cơ quan đăng ký biện pháp thế chấp đó. Ông Seck Yee Chung đề nghị bổ sung vào định nghĩa này đoạn "Các tài sản mà khi di dời khỏi thửa đất không bị thiệt hại đáng kể đến công năng sử dụng của tài sản đó và không gây ra thay đổi đáng kể với đất thì đều được coi không phải là tài sản gắn liền với đất"…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường…; tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Do vậy, quá trình chuẩn bị và xây dựng Dự án Luật này cần phải huy động được tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, trên cơ sở định hướng quan điểm của Nghị quyết 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai có nhiều chính sách đổi mới như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trơ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế xác định giá đất; tài chính về đất đai…
Đặc biệt, có nhiều chính sách liên quan đến việc sử dụng đất của các doanh nghiệp như giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, thuê đất trả tiền hàng năm; quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất; bổ sung quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.
Phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bổ sung các quy định về quản lý, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ lấn biển…
Và bên cạnh những điểm đổi mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng đất đã được thể chế hóa từ Nghị quyết 18-NQ/TW thì cơ quan soạn thảo vẫn luôn luôn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về việc thể chế như vậy đã đầy đủ chưa? có khả thi không? những chính sách nào cần tiếp tục được thể chế, những chính sách nào đã được thể chế đầy đủ? Còn những chính sách nào mà mặc dù Nghị quyết 18 không nêu nhưng quá trình thực thi còn vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành…?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, cơ quan soạn thảo Dự án Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tập hợp được những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của tất cả các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, những ý kiến có tính đặc trưng, riêng biệt đối với từng đối tượng chịu tác động của pháp luật về đất đai, làm sao có được một dự án Luật với nhiều chính sách bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống.
Những góp ý mới ngoài dự thảo Luật cũng sẽ được tổ chức đánh giá tác động đầy đủ, nếu phù hợp, hiệu quả sẽ đưa vào dự thảo Luật. Làm sao Luật Đất đai sửa đổi phải tạo ra cơ chế minh bạch, thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đảm bảo phát huy nguồn lực đất đai để phát triển một cách bền vững.
Mạnh Hùng