Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp hơn cho hộ kinh doanh. |
Theo dự thảo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, chương VIIa của Luật Doanh nghiệp sẽ được xây dựng theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của ‘hộ kinh doanh’ bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Cụ thể, dự thảo quy định: Hộ kinh doanh là cơ sở kinh doanh do một cá nhân đăng ký hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập. Trường hợp hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh, tất cả thành viên hộ gia đình phải ủy quyền cho một thành viên theo quy định pháp luật dân sự để đứng tên đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh và thành viên đại diện cho hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh (sau đây gọi là chủ hộ kinh doanh) chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định pháp luật dân sự.
Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và cơ quan có thẩm quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh; tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh; chuyển đổi hộ kinh doanh.”
Về quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, dự thảo quy định: Chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh; đại diện cho cơ sở kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.
Chủ hộ kinh doanh là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến hộ kinh doanh.
Chủ hộ kinh doanh có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh.
Trường hợp chủ hộ kinh doanh bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề, chết, mất tích, hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ ngày xảy ra các trường hợp nêu trên.
Trước đó, nói về các đề xuất sửa đổi quy định liên quan tới hộ kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh quan điểm của những người soạn thảo, của cơ quan hoạch định chính sách là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt họ lên doanh nghiệp.
“Điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn về mặt pháp lý, tức là nhà nước sẽ bảo hộ các hộ kinh doanh, giúp tối đa hóa các nguồn lực, xóa bỏ các hạn chế với họ. Đã kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phải có đầy đủ các thương quyền để họ kinh doanh tốt nhất. Khung khổ pháp lý với hộ kinh doanh phải đơn giản nhất, linh hoạt nhất để họ kinh doanh thuận lợi nhất”, ông Hiếu phân tích.
Nói thêm về các quy định hiện nay, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, từ khái niệm cho tới địa vị, trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh đều không rõ ràng. Chưa hết, các hộ kinh doanh chịu nhiều hạn chế như chỉ được kinh doanh ở một địa điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quy định về thủ tục giải thể, phá sản và không được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Mặt khác, theo ông Hiếu, cũng không thể tiếp cận đối tượng hộ kinh doanh theo hướng “buộc” họ phải đăng ký doanh nghiệp. Thực tế, pháp luật hiện hành đã có các quy định khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Do đó, việc xóa bỏ hộ kinh doanh hay bắt buộc họ chuyển thành doanh nghiệp đều không đúng, không hợp lý.
Thành Đạt