Dự án Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận vào chiều 11/11 tại phiên họp toàn thể ở Hội trường.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về nội dung luật này và đã có 103 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, về cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá; đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả; vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế. Các đại biểu cũng đã cho ý kiến vào từng nhóm chính sách và từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật.
Sách giáo khoa không quy định giá tối thiểu, lo cạnh tranh không lành mạnh
Thảo luận tại Hội trường hôm nay, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) quan tâm đến hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Đại biểu khẳng định phân cấp phân quyền là chủ trương đúng, nguyên tắc cần áp dụng trong quá trình thực hiện là cấp trên chỉ làm những việc cấp dưới không làm được tốt hơn.
Theo đại biểu, dự thảo Luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính, trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp Trung ương.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền phải đi với việc nâng cao năng lực để thực hiện, nếu "xuống nước trước, tập bơi sau" thì nguy hiểm.
Mặt khác, đại biểu lo ngại, để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, liệu có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp bộ kit test Việt Á? Bởi nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật. Những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo luật này là rất lớn, Quốc hội cần cân nhắc thận trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở Trung ương.
Đối với sách giáo khoa, dự thảo luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, để chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu đề nghị quy định khung giá bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu.
Có tình trạng không dám định giá các tài sản cho khu vực công
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, thực tế, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công.
Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc bán.
Mặt khác, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để các nhà đầu tư đầu tư phát triển.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có các quy định làm căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải "lấp khoảng trống" về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.
Ngoài ra, để xác định được giá đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá vô cùng quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) đề nghị áp dụng cách tính đặc thù đối với lĩnh vực y tế, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường. Bởi dịch vụ y tế không thể kiểm soát được theo hàng hóa thông thường.
Đại biểu đề nghị cần quy định rất rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao.
Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật này. Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.
Về mối quan hệ của Luật Giá (sửa đổi) và các luật khác, Bộ trưởng cho biết hiện có 21 luật có quy định về giá. Để khắc phục những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá; Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất Danh mục hàng hóa.
Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng đặc thù, chuyên ngành thì quy định rõ những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.
Về hiệp thương giá, Dự án Luật lần này không xác định phạm vi và chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp hiệp thương giá với nhau, cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài. Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Tài chính Ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.
Hải Liên