In bài viết

Luật vướng còn do cán bộ đợi "cầm tay chỉ việc”

(Chinhphu.vn) – Việc thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quả thực đang gây ra không ít khó khăn, vướng mắc. Nhưng liệu có phải bất cứ vấn đề nào cũng cần hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”?

10/08/2015 17:47
Những phản ánh mới đây của độc giả Lương Giang (luonggiang2106@...) tới Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia cho thấy thủ tục giải thể các doanh nghiệp FDI vốn đã phức tạp nay lại càng khó hơn với cách thức làm việc của cán bộ khi thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Tháng 02/2015, doanh nghiệp này nộp các hồ sơ lên cơ quan Thuế một TP lớn ở phía Bắc để xin quyết toán, nhưng mỗi lần cơ quan Thuế bảo bổ sung một vài chứng từ, khiến tới tháng 05/2015, doanh nghiệp mới có được quyết định được thanh tra kiểm tra. Gần 1 tháng sau khi kiểm tra, doanh nghiệp mới có được quyết định nộp phạt để đi hoàn tất nghĩa vụ thuế, lúc đó đã là giữa tháng 6. 

Ssau đó là công cuộc xin hoàn thuế, tới 07/07/2015 thì có quyết định hoàn. Tới đây, doanh nghiệp tưởng đã được “thở phào”, chỉ chờ có thông báo đã hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế là xong. Thế nhưng dù ngày nào cũng gọi tới gọi lui cho bên Thuế, câu trả lời mãi vẫn là chưa xong. Cơ quan Thuế kể ra các lý do như chưa nhập liệu, rồi chênh lệch số liệu giữa các phòng và yêu cầu doanh nghiệp… chờ. Cho tới ngày 6/8, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông báo.  

Chưa hết. Để rút ngắn thời gian hoàn thành việc giải thể, doanh nghiệp đã nộp các hồ sơ chuẩn bị lên Sở KHĐT. Vướng mắc tiếp tục nảy sinh do một thay đổi trong Luật Đầu tư. Luật Đầu tư 2005 quy định giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, còn Luật Đầu tư mới đã tách hẳn nội dung đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp thành hai thủ tục hoàn toàn độc lập, với 2 giấy khác nhau.

Theo doanh nghiệp, vấn đề nảy sinh khi Sở KHĐT có 2 phòng phụ trách 2 thủ tục đăng ký này. “Đi tới phòng này chỉ sang phòng kia, khi thắc mắc thì bên Sở bảo chưa có thông tư hướng dẫn, không biết làm thế nào nên không nhận”, độc giả bức xúc.

Hiện, doanh nghiệp này vẫn chưa biết làm thế nào để giải thể được cho nhanh chóng. “Thủ tục lằng ngoằng, cách thức làm việc của cán bộ thực hiện đang tạo thành các lớp lớp rào cản. Nhiều doanh nghiệp muốn làm đúng nghĩa vụ mà thủ tục khiến họ không thể kiên trì, tốn công tốn sức trong thời gian dài như vậy”, độc giả nói.  

Cũng liên quan đến thay đổi nói trên trong Luật Đầu tư, một độc giả khác phản ánh đối với những công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo luật năm 2005, giờ muốn điều chỉnh các thông tin trên giấy này thì buộc phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo hướng dẫn tạm thời của Bộ KHĐT. Nhưng trong thực tế, các Sở KHĐT vẫn bắt doanh nghiệp phải… chờ thêm, vì bản thân các Sở cũng chờ hướng dẫn xem những thủ tục nào cần làm trước, thủ tục nào sau.

Không phải cái gì cũng cần hướng dẫn

Tình hình triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư từ 1/7 cho thấy, việc chưa có các văn bản hướng dẫn chính thức đã gây ra không ít vướng mắc cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh. Chính phủ đã yêu cầu Bộ KHĐT hoàn thiện dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hoàn tất các thủ tục để Chính phủ ban hành trước ngày 15/9/2015.

Tuy nhiên, Báo cáo mới đây của Bộ KHĐT cũng chỉ ra rằng, ngoài việc các Nghị định hướng dẫn 2 luật chưa được ban hành, thì một nguyên nhân dẫn đến vướng mắc là một số cán bộ, công chức còn chưa nhận thức đầy đủ những nội dung đổi mới, cải cách của luật hoặc không chủ động thực hiện những cải cách này mà thụ động chờ hướng dẫn. Một số doanh nghiệp thể hiện tâm lý phòng thủ và lo lắng có thể bị gây khó khăn nếu cơ quan nhà nước không hiểu rõ, hiểu đúng nội dung cải cách của luật.

Có thể thấy trước rằng các dự thảo Nghị định hướng dẫn sẽ không trả lời tất cả các vấn đề về quy trình, thủ tục… theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tinh thần của Bộ KHĐT là ngoài các Nghị định này, sẽ không ban hành thêm các thông tư, chỉ hướng dẫn thêm về mẫu các văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh… Theo Bộ này, thông tư chỉ quy định một trường hợp nào đó trong khi cuộc sống muôn hình vạn trạng, thông tư thay đổi liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – người trực tiếp tham gia quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư-  giải pháp cho vấn đề là cần phải thay đổi quan niệm, trên cơ sở triệt để tôn trọng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Các cơ quan nhà nước phải quản lý theo kết quả thực hiện, theo mục tiêu cần đạt được chứ không nên câu nệ quy trình, thủ tục như lâu nay.

“Trong xã hội vô cùng đa dạng này, có rất nhiều cách để đi đến một kết quả, cũng không có cách nào mà phù hợp cho tất cả. Cơ quan nhà nước phải thay đổi để tạo không gian cho sự sáng tạo của chính mình và của doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Hà Chính