Đây là bước tiến quan trọng trong việc thực thi hiệp định hòa bình lịch sử được Chính phủ Indonesia và GAM ký hồi tháng 8 vừa qua nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở tỉnh Aceh, đồng thời mở đường cho nhóm vũ trang này trở thành một đảng chính trị để tham gia vào cuộc bầu cử tháng 4 năm tới.
Thông tin về việc giải tán bộ phận vũ trang của lực lượng này được công bố ngay sau khi các đại diện của nhóm có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tại Banda Aceh, thủ phủ tỉnh Aceh.
Tổng thống Yudhoyono nói: "Sự kiện này cho thấy hy vọng xây dựng hòa bình có thể thực hiện được từ những đống đổ nát".
Sofyan Daud, một cựu tư lệnh của nhóm này nói: "Quân đội quốc gia tỉnh Aceh, hay còn gọi là lực lượng vũ trang của Phong trào Aceh tự do, đã hoàn toàn giải tán. Nhóm vũ trang từ bây giờ sẽ là một bộ phận của đời sống dân sự và sẽ làm hết khả năng để thỏa thuận hòa bình đi đến thành công."
Những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực và đem lại hòa bình cho tỉnh Aceh được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi tỉnh này bị trận động đất và sóng thần tàn phá nặng nề ngày 26-12 năm ngoái. Lực lượng nổi dậy và chính phủ Indonesia đã quay trở lại bàn đàm phán và tuyên bố rằng các bên không muốn gây thêm đau thương cho người dân.
Kể từ khi ký hiệp định hòa bình cho tỉnh Aceh hồi tháng 8 vừa qua, lực lượng nổi dậy đã giao nộp toàn bộ 840 đơn vị vũ khí các loại của họ. Chính phủ Indonesia đã thả hơn 1400 thành viên của lực lượng nổi dậy trong vòng hai tuần qua. Quân đội cũng thực hiện cam kết rút gần 20.000 binh sĩ khỏi Aceh và sẽ có thêm các đơn vị rút khỏi đây trong tháng này.
Giai đoạn nhạy cảm của việc giải giáp vũ khí và rút quân đã gần hoàn tất cũng là lúc chính phủ Indonesia bắt đầu chuẩn bị về mặt pháp lý, nhằm cho phép phiến quân thành lập một chính đảng và củng cố quyền tự trị lớn hơn đối với tỉnh Aceh.
Theo đánh giá của Phái đoàn Giám sát Hiệp định Hòa bình Aceh (AMM) gồm 240 quan sát viên của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiến trình thực hiện hiệp định này diễn ra khá suôn sẻ.
Nhóm Phong trào Aceh Tự do nổi dậy từ năm 1976 để đòi độc lập cho tỉnh giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của Indonesia. Ít nhất 15 nghìn người, phần lớn là thường dân, đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài nhất ở châu Á. Trước đó, nỗ lực chấm dứt bạo lực đã bị đổ vỡ năm 2003 sau khi quân đội Indonesia sơ tán các quan sát viên nước ngoài khỏi tỉnh này và tiến hành các hoạt động quân sự để truy quét lực lượng nổi dậy.
(Nhân Dân - Theo AP)