In bài viết

Lý giải sự “tăng tốc” của giá vàng

(Chinhphu.vn)- Khủng hoảng nợ ở châu Âu, đồng euro giảm giá, cung – cầu chênh lệch, lạm phát… là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

02/06/2010 16:53

Giá vàng đã ở mức cao kỷ lục, đạt  1.250 USD/ounce (ngày 14/5) và hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường vàng sẽ sớm hạ nhiệt.

Tạp chí Real Money Perspectives đã thực hiện một cuộc thăm dò 75 chuyên gia trên thị trường vàng, kết quả là hầu hết các chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ vượt mức 1.500 USD/ounce trong tương lai không xa. Sau đó sẽ là ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Lý do mà nhiều chuyên gia dự báo giá vàng tăng cũng không khó hiểu.

Khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đồng euro giảm giá

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu với các “nạn nhân” là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland chất gánh nặng lên đồng euro và làm suy giảm lòng tin đối với hệ thống ngân hàng châu Âu. Sự tồn tại của đồng euro có thể gặp nguy hiểm khi đã giảm xuống dưới mức 1,25 USD/euro.

Do đồng euro là đồng tiền dự trữ của nhiều quốc gia, giá trị đồng tiền này giảm khiến giá vàng giao dịch bằng đồng euro tăng lên. Vì thế, 2  yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng cho đến khi các vấn đề nền tảng kinh tế ở châu Âu được giải quyết.

Cung - cầu

Nguồn cung vàng trên Trái đất là hữu hạn và việc khai thác kim loại quý này ngày càng khó khăn đã khiến cung ngày càng khó bắt kịp so với cầu, nhất là khi các quốc gia sản xuất vàng hàng đầu đang cạn kiệt dần tài nguyên. Ví dụ rõ nhất là hồi đầu thế kỷ này Nam Phi cung cấp tới 74% lượng vàng khai thác trên thế giới, song hiện chỉ còn 19%.

Ước tính tổng khối lượng vàng dự trữ đã qua chế biến của thế giới hiện ở mức 160.000 tấn. Mỗi năm lại có thêm 2.400 tấn nữa được bổ sung, tương đương với mức tăng 1,7% - thấp hơn nhiều so với mức tăng của cầu. Tổng cầu trên thị trường vàng hiện đang vượt tổng cung khoảng 1%/năm và mức chênh này đang gia tăng.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến cung cầu trên thị trường vàng là nhu cầu mua sắm vàng của người tiêu dùng cũng tăng so với cách đây 10 năm. Điều này rõ nhất là ở Ấn Độ, chỉ trong quý I/2010, nhu cầu vàng tiêu dùng nước này đã lên 193,5 tấn, tăng gần 700% so với cùng kỳ 2009.

Do nhu cầu vàng tiêu dùng tăng – cả với mục đích dự phòng lẫn mục đích làm trang sức- vàng tự thân đã có lý do lên giá.

Nếu bất ổn tài chính tiếp tục diễn tiến, giới đầu tư buộc phải tìm các biện pháp đối phó. Và cũng vì vậy, nhiều chuyên gia tư vấn tài chính đều khuyên các nhà đầu tư chuyển một phần tài sản, từ 5% - 20% sang vàng. Đây là một yếu tố nữa đẩy giá vàng lên.

Lạm phát

Đồng euro liên tục mất giá trong thời gian gần đây nhưng không phải là đồng tiền duy nhất rơi vào tình trạng này. Nhiều nhà phân tích cho rằng các biện pháp kích thích nhằm vực nền kinh tế ra khỏi suy thoái của các chính phủ đưa ra, do quá trình tư vấn và thực hiện yếu kém, cuối cùng sẽ khiến các đồng tiền của họ mất giá.

Chẳng hạn, với số nợ khoảng 13.000 tỷ USD hiện nay, ngay cả với lãi suất thấp do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đang tìm cách duy trì, Washington vẫn phải trả 224 tỷ USD tiền lãi trong năm 2010. Tình trạng này khiến nhiều nhà kinh tế bi quan cho rằng đồng USD sẽ dần dần mất giá trị, khiến vàng trở thành vật trao đổi duy nhất được chấp nhận.

Thêm một yếu tố nữa khiến giá vàng khó giảm là do các ngân hàng trung ương, đối tượng giao dịch lớn nhất trên thị trường vàng thế giới, với tư cách là cơ quan quản lý tiền tệ của một quốc gia, họ phải mua bán vàng nhằm “chống đỡ” cho đồng nội tệ và thực hiện các giao dịch thương mại toàn cầu. Trong 20 năm qua, các ngân hàng trung ương liên tục bán vàng nhiều hơn mua vào, giờ đây thực tế này đã thay đổi.

Kể từ đầu năm 2009, các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế đang nổi bắt đầu nhập ròng vàng. Chẳng hạn Ấn Độ mua 200 tấn vàng từ Quỹ Tiền tệ quốc tế vào cuối năm 2009, đưa dự trữ vàng chiếm 6% tổng dự trữ ngoại tệ. 

Trong khi đó, Trung Quốc liên tục là nước nhập ròng vàng trong 5 năm qua, đưa dự trữ vàng của nước này từ 600 tấn lên 1.054 tấn. Và Trung Quốc sẽ còn phải tiếp tục tăng lượng vàng dự trữ nếu muốn thế giới chấp nhận đồng Nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán quốc tế./.

Nguyễn Chiến