Má số vùng trồng giúp người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu an tâm về truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180 000 ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói.
Điều kiện bắt buộc
Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.
Đối với thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc... các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các bản điều kiện nhập khẩu nhập khẩu hoặc kế hoạch thực hiện đối với từng loại nông sản cụ thể. Cũng có một số loại sản phẩm thì thực hiện theo một văn bản quy định chung của nước nhập khẩu.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, yêu cầu về việc trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này phải xuất phát từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ NN&PTNT cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu chính thức áp dụng từ 2019.
Hiện nay, các quy định cụ thể về yêu cầu với vùng trồng được cấp mã số vùng trồng của các nước đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Bảo vệ thực vật, tựu chung lại các vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng các yêu cầu về: nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong đó chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác; theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng; thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp; đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu;
Việt Nam cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt (Điều 64).
Không thể nơi lỏng giám sát
Mặc dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu là không lớn, nhưng đây là một tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.
Do đó, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.
Các địa phương phải phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số; chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra đề nghị cấp mã số hoặc giám sát các đơn vị đã được cấp mã số và báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để có các biện pháp xử lý kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Đỗ Hương