Trên cơ sở số liệu về tình hình ma tuý của các nước năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho thấy, các đối tượng sử dụng các tiền chất, hoá chất không nằm trong danh mục kiểm soát để sản xuất methamphetamine và các chất ma tuý tổng hợp khác. Giá bán của ma tuý có xu hướng giảm kéo theo gia tăng tình trạng nghiện ngập ở nhiều quốc gia.
Nguồn cung methamphetamine (meth) tiếp tục duy trì ở mức cao, chủ yếu đến từ bang Shan (Myanmar). Năm 2021, các nước Đông Nam Á đã bắt giữ tới 171,5 tấn meth.
Tại Campuchia, Lào, Myammar, Thái Lan, Việt Nam tăng 89% số vụ bắt giữ liên quan đến meth. Số lượng meth bị bắt giữ ở dạng bột giảm 61%, dạng lỏng giảm 85%, dạng tinh thể giảm 4%, dạng viên tăng 17%. Năm 2021, lần đầu tiên các nước Đông Nam Á thu giữ tới hơn 1 tỷ viên ma tuý tổng hợp.
Methamphetamine được sản xuất chủ yếu tại Tam giác vàng và đang có xu thế mở rộng xuống khu vực hạ lưu sông Mekong. Hiện đã xuất hiện các băng nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng địa bàn Campuchia để sản xuất ma tuý tổng hợp.
Năm 2021, lực lượng chức năng ở xứ sở Chùa Tháp đã triệt xoá 2 cơ sở sản xuất ma tuý tổng hợp có quy mô công nghiệp được thiết kế để sản xuất ketamine và các chất ma tuý khác.
Tháng 5/2022, Cảnh sát Campuchia triệt phá 4 cơ sở sản xuất ma tuý tại TP. Phnompenh và tỉnh Kampong Speu, thu giữ 1,4 tấn ma tuý tổng hợp, 11 tấn hoá chất các loại. Hiện số cơ sở sản xuất trái phép ma tuý đã giảm, nhưng tại Malaysia và Philippines, lực lượng chức năng vẫn thu giữ được khối lượng methamphetamine lớn.
Phần lớn các tuyến vận chuyển ma tuý không có sự thay đổi do các nhóm đối tượng đã thích nghi với việc hạn chế di chuyển trong thời kì áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đối tượng sử dụng phương thức trực tuyến để giao hàng, đồng thời vận chuyển ma tuý bằng đường biển qua eo biển Malacca vào Malaysia, Indonesia.
Bên cạnh đó, gia tăng việc mua bán, vận chuyển ma tuý tổng hợp dạng viên nén qua địa bàn Lào đi các nước tiêu thụ. Do ma tuý thành phẩm, trong đó ma tuý tổng hợp dạng viên nén chiếm số lượng lớn xuất xưởng từ các "công xưởng" ở bang Shan (Myanmar) đều đi qua Lào để đến tay khách hàng.
Năm 2021, lực lượng chức năng Lào bắt giữ 143 triệu viên nén methamphetamine, tăng 669% so với năm 2020. Trong những tháng đầu năm 2022, Lào thu giữ 36 triệu viên + 590 kg methamphetamine.
Ngoài tuyến vận chuyển qua Lào, nguồn ma tuý tổng hợp từ bang Shan vận chuyển qua Thái Lan đang diễn biến phức tạp. Ước tính 20% lượng ma tuý sản xuất tại Myanmar được mua bán, vận chuyển qua biên giới Myanmar - Thái Lan.
Năm 2021, số lượng các vụ bắt giữ tại Đông Bắc Thái Lan tăng tới 400% so với năm 2019, tương đương với khoảng 5 tấn (gần 80 triệu viên ma tuý tổng hợp). Ngoài ra, Cảnh sát Ấn Độ, Bangladesh đã phát hiện đường dây vận chuyển khối lượng lớn methamphetamine dạng tinh thể từ Myanmar sang.
Methamphetamine hiện là loại ma tuý sử dụng nhiều nhất ở Đông Nam Á. Từ năm 2011 - 2022, cho thấy xu thế chuyển dịch từ sử dụng chất ma tuý gốc thuốc phiện sang ma tuý tổng hợp ở tất cả các nước Đông Nam Á. Thái Lan, Philippines và Brunei có tỷ lệ sử dụng ma tuý tổng hợp từ 80% - 90%, ở Việt Nam, Singapore, Malaysia chiếm từ 50% - 60%.
Dựa trên dữ liệu về giám định số ma tuý tổng hợp bị thu giữ trong năm 2021 - 2022 cho thấy enphedrine và psuedoephedrine là loại tiền chất chính để sản xuất methamphetamine. Ngoài ra còn nhiều loại hoá chất không nằm trong danh mục kiểm soát được thu gom để sản xuất ma tuý.
Đối với ecstasy (thuốc lắc), theo phân tích của UNODC, so với methamphetamine thị trường ecstasy ở Đông Nam Á có quy mô nhỏ. Năm 2021, Campuchia và Singapore ghi nhận xu hướng sử dụng ecstasy tăng, trong khi tại Malaysia và Thái Lan có xu hướng thấp. Số người đưa vào điều trị do liên quan đến ecstasy trong khu vực chiếm tỷ lệ thấp. Số vụ bắt giữ ecstasy giảm đáng kể từ 8,9 triệu viên (năm 2020) xuống còn 3,7 triệu viên (năm 2021). Các vụ bắt giữ chủ yếu diễn ra ở Indonesia và Malaysia với tổng số 1,8 triệu viên trong năm 2021.
Xu thế sản xuất ecstasy đang xuất hiện ở Campuchia và Malaysia. Đặc biệt, ở Campuchia đã phát hiện cơ sở sản xuất ma tuý tổng hợp, thu giữ 102 kg MDMA, 39,9 kg mephedrone và hơn 1,1 tấn hoá chất cùng nhiều máy đóng ép viên có hình dạng giống viên "thuốc lắc". Điều này cho thấy sự linh hoạt của đối tượng trong việc sử dụng phương tiện, máy móc để sản xuất nhiều loại ma tuý.
Hàm lượng MDMA trong mỗi viên nén ecstasy vẫn chiếm mức cao và ổn định ở hầu hết các nước trong năm 2021. Đáng chú ý tại Philippines, hàm lượng MDMA tăng từ 23,4% (năm 2020) lên 48% (năm 2021). Ngược lại, tại Thái Lan hàm lượng MDMA giảm từ 50,9% (năm 2020) xuống còn 18,8% (năm 2021). Nguyên nhân là với khoảng ¼ số mẫu được giám định, ngoài MDMA ra chúng còn chứa cả methamphetamine và ketamin.
Bên cạnh đó, các loại ma tuý tổng hợp khác và các chất hướng thần mới (NPS) ngày càng xuất hiện phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù số chất NPS được xác định hàng năm đã giảm dần song vẫn xuất hiện các chất mới.
Ketamine là loại ma tuý tổng hợp mới đang nổi lên với nguồn cung ngày càng tăng đến từ cả bên trong và bên ngoài khu vực. Tính đến tháng 12/2021, đã phát hiện 507 chất NPS mới ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó xét về dược tính, có 187 chất có tác dụng kích thích thần kinh; 158 chất tổng hợp từ cần sa; 69 chất gây ảo giác. Chất có tác dụng kích thích thần kinh chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm NPS, nhưng số chất mới xuất hiện được báo cáo đã giảm trong năm qua.
Xuất hiện xu thế thay đổi đối với chiết xuất tổng hợp có nguồn gốc từ cần sa. Các chất này bao gồm ADB-FUBIATA, là chất tương tự metylen của ADB-FUBICA, cũng như các chất tương tự của MDA-19 như BZO-POXIZID (chất tương tự như pentyl MDA-19) và 5F-BZO-POXIZID (5F-MDA-19). Trong đó, BZO-PXIZID được xác định xuất hiện lần đầu tại Indonesia năm 2021. MDMB-4en-PINACA là chất hướng thần xuất hiện tại Việt Nam, Singapore, Indonesia năm 2021. Chất ADB-BUTICANA lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2020 tại Singapore, song đã trở thành chất hướng thần bị lạm dụng nhiều.
Năm 2021, tổng khối lượng ketamine bị thu giữ tại các nước Đông Nam Á là 10,3 tấn. Hoạt động sản xuất ketamine bất hợp pháp có xu hướng mở rộng. Ngoài khu vực Tam giác vàng, ketamine còn được sản xuất tại Campuchia.
Tháng 12/2021, Campuchia thu giữ 1,43 tấn ma tuý tại TP. Sihanoukville đang trên đường vận chuyển tới Đài Loan (Trung Quốc). Cảnh sát nước này đã mở rộng điều tra qua đó phát hiện 2 cơ sở sản xuất ketamine cùng kho chứa hoá chất và phòng thí nghiệm bí mật tại tỉnh Kampong Speu, thu giữ 750 kg ketamine, 5,2 tấn ketamine chất thải, 13,2 tấn ethy benzoate và nhiều loại hoá chất không nằm trong danh mục kiểm soát được sử dụng để sản xuất ketamine và nhiều loại ma tuý khác.
Nguồn cung ketamine ngoài từ Đức, Hà Lan đến trên các tuyến đường hàng hải, hàng không, còn xuất hiện tuyến vận chuyển ketamine từ Lào sang Hàn Quốc.
Đông Nam Á là một trong những thị trường tiêu thụ ma tuý tổng hợp lớn của thế giới. Trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh COVID-19, các băng nhóm tội phạm đã cho thấy khả năng thích nghi và tìm cách tận dụng tình hình để mở rộng hoạt động.
Tuỳ theo năng lực tài chính, khoa học kỹ thuật hiện có, các nước cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực giám định các chất ma tuý, chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc can thiệp, cảnh báo sớm nhằm kịp thời xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong giai đoạn hiện nay.
Tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình ma tuý trên thế giới và trong khu vực. Từ tính chất phức tạp của tình hình ma tuý trong khu vực đòi hỏi nước ta phải có phương pháp tiếp cận mới mang tính chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ ngoài biên giới không để tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý qua biên giới vào nội địa và chuyển tiếp đi nước thứ ba.
Lực lượng chức năng nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước Đông Nam Á và các nước liên quan nhằm trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma tuý, hợp tác xác lập chuyên án chung điều tra, bắt giữ đối tượng vận chuyển ma tuý về Việt Nam tiêu thụ, đối tượng truy nã.
Lực lượng chức năng các nước thường xuyên tiến hành gặp gỡ, giao ban, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị, phương tiện, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý ở mỗi nước và trong khu vực góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN hoà bình, thịnh vượng.
Ngày Thế giới phòng chống ma túy (26/6) năm 2022 được Liên Hợp Quốc lấy chủ đề "Giải quyết những thách thức về chất gây nghiện trong các khủng hoảng nhân đạo và y tế".
Với chiến dịch #CareInCrises, UNODC kêu gọi các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các bên liên quan triển khai các hành động khẩn cấp để bảo vệ người dân, bao gồm tăng cường phòng ngừa và điều trị các rối loạn do sử dụng ma tuý cũng như triệt phá các nguồn cung cấp ma túy bất hợp pháp.
Kim Long