In bài viết

Mách bạn khi trót... quá chén

(Chinhphu.vn) - Uống 1 cốc nước mía hoặc 1 cốc nước mơ, bấm huyệt Yêu nhãn và Thái xung… là những phương pháp giúp giải rượu nhanh, hiệu quả và rất an toàn.

19/02/2015 09:17
Ảnh minh họa

Giải rượu bằng thực phẩm

Trong ngày Tết, nếu có chót quá chén, bạn hãy thử dùng các bài thuốc giải rượu từ thực phẩm sau:

Nước mía: Dùng nước mía tươi hoặc nước mía có pha thêm một chút nước gừng tươi, hay nấu cháo đậu xanh với nước mía để ăn… bạn sẽ đỡ mệt vì loại thức uống này có tác dụng giải rượu nhanh chóng nhất.

Nước bưởi hoặc nước chanh: Ăn bưởi hoặc uống nước bưởi ép hay vắt 1 quả chanh tươi lấy nước uống cũng có tác dụng làm tỉnh rượu và giải ngộ độc rượu.

Nước mơ: Dùng siro mơ pha loãng để uống hoặc dùng 2 quả mơ chua, bỏ hạt, thái nhỏ, nấu với 10gr vỏ quýt khô (sao thơm, tán vụn) và 500ml nước, lọc bỏ bã, lấy nước cho uống. 

Trà xanh: Thành phần tanin của trà có tác dụng khử chất độc của cồn cấp tính, vì vậy, nếu bị say rượu, bạn hãy uống từng hớp trà nhỏ trong nhiều lần.

Nước gừng: Gừng tươi 60gr thái mỏng, sắc lấy nước uống. Gừng có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để hấp thụ và giúp giải say rượu nhanh hơn.

Cà chua: Uống rượu say bị nôn không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm cho cơ thể mất đi một lượng lớn kali, canxi, natri… Nước ép cà chua chín không chỉ giải ngộ độc và say rượu, mà còn bổ sung cho cơ thể các nguyên tố nói trên.

Đỗ xanh: Rửa sạch đỗ xanh bằng nước sôi, giã nhuyễn, hòa chung với nước sôi và lọc lấy nước uống. Còn nếu nấu nhừ đậu xanh và cam thảo để ăn cả nước lẫn cái thì cũng rất tốt.

Xoa bóp huyệt

Sau khi uống một lượng nước, ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng, để giải rượu, hãy thực hiện các bài xoa bóp sau đây:

Day bấm huyệt Yêu nhãn từ 3-5 phút. Vị trí huyệt Yêu nhãn: Giơ cao tay và nghiêng mình đi một chút, chỗ lõm hai bên thắt lưng (tương ứng với đốt sống thắt lưng 4) hiện rõ, huyệt nằm ở giữa đáy lõm từ mỏm gai đốt sống thắt lưng 4 đo ngang ra 3,8 tấc.

Tiếp theo, day bấm huyệt Thái xung từ 3-5 phút. Vị trí huyệt Thái xung: Ép ngón chân cái vào ngón 2, huyệt nằm ở mu bàn chân, đo từ đầu kẽ hai ngón chân lên 2 tấc (khoảng 20cm). Cũng có thể xác định bằng cách lấy huyệt ở điểm giữa đường nối đầu ngón chân cái với nếp gấp ngang cổ chân.

Cuối cùng, xoa xát toàn bộ mu bàn chân. Nếu người say có thể đứng dậy được thì cho đứng tựa vào tường rồi dùng gót chân này giẫm mạnh và xoa mu bàn chân kia và ngược lại từ 5-6 phút.

Liệu pháp xoa bóp trên đây cũng có thể áp dụng cho những người sau khi uống rượu cảm thấy mình mẩy nặng nề, đau đầu chóng mặt, nói năng không được lưu loát.

Ngoài ra, sau khi tỉnh rượu đầu sẽ đau nhức rất khó chịu. Thay vì uống thuốc giảm đau (sẽ có hại cho gan), bạn có thể xoa bóp, bấm các huyệt sau đây để giảm đau đầu:

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ kẹp và kéo da cuốn liên tiếp giữa các ngón tay dọc trán từ huyệt Ấn đường lên chân tóc, rồi lần lượt véo sang hai bên từ huyệt Ấn đường tỏa ra như nan quạt giấy trên trán. Sau đó véo nhẹ lông mày từ huyệt Ấn đường ra hai bên 3 lần, tiếp tục véo tại huyệt Ấn đường từ 5-10 lần.

Tiếp theo, ấn day huyệt Thái dương hai bên, miết vòng trên tai ra phía sau gáy từ 5-10 lần.  

Dùng 2 ngón tay cái miết từ huyệt Ấn đường tỏa ra hai bên Thái dương, miết sát lông mày rồi miết dần lên hết trán.  

Dùng đầu ngón tay cái ấn vào một số điểm huyệt rất có tác dụng trị đau đầu như huyệt Bách hội (ở đỉnh đầu, thẳng chóp hai vành tai lên): Dùng ngón tay cái vừa ấn vừa day theo chiều kim đồng hồ 10 lần.

Bóp nhẹ nhàng 2 cơ thang ở cổ và chỗ trũng hai bên gáy (huyệt Phong trì) từ 3-5 cái. Cuối cùng là bóp cơ sau gáy và hai bả vai từ 10-15 lần.

Lê Hưng (tổng hợp)