Đây là ý kiến của các nhà quản lý, tổ chức quốc tế, chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo "Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Việt Nam, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững" do Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 12/10.
Nêu một nét về đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết thời gian qua, nhìn chung đầu tư cho KHCN còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng. Tổng mức đầu tư xã hội cho KHCN liên tục tăng từ mức 0,19% GDP năm 2011 lên 0,53% năm 2020, nhưng chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020.
Việc huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để phát triển KHCN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao. Chẳng hạn tính đến năm 2021, Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã thu hút 98 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn, uy tín trong nước và quốc tế đang triển khai đầu tư tại các khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đà Nẵng, TPHCM.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sâu rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần huy động tổng lực cả ngân sách và nguồn lực tư nhân để đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tao nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; quan tâm hơn nữa việc sử dụng linh hoạt cả biện pháp hỗ trợ trực tiếp thông qua các đề tài dự án KH&CN đến các biện pháp gián tiếp thông qua các công cụ như ưu đãi thuế, tín dụng và đầu tư.
Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN; chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KHCN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng của nhiệm vụ.
Đánh giá Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong phát triển thị trường đổi mới sáng tạo, KHCN, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, KHCN cần là trọng tâm trong tầm nhìn này của Việt Nam với vai trò xúc tác, thúc đẩy hình thành một nền kinh tế tri thức thịnh vượng.
Hiện nay, đầu tư công và tư nhân vào KHCN tại Việt Nam còn tương đối thấp so với mức trung bình toàn cầu, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP, tỉ lệ chi cho KHCN của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%. Để tăng sự đóng góp của KHCN vào tăng trưởng bền vững và bao trùm, vốn đầu tư tư nhân và đầu tư tài chính hỗn hợp đóng vai trò rất quan trọng.
Mặc dù Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo, như Luật Khoa học và Công nghệ, các nghị định liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các văn bản khác nhưng các nhà đầu tư tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đầu tư quy mô lớn vào KHCN và đổi mới sáng tạo.
Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh việc đầu tư vào KHCN và đổi mới sáng tạo thông qua các nguồn vốn khác nhau, bao gồm cả khu vực công và tư nhân, đóng vai trò rất quan trọng và sẽ khuyến khích hoạt động sáng chế và tăng cường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
UNDP sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải thiện quy trình lập ngân sách đầu tư cho KHCN và khuyến khích đầu tư nghiên cứu-phát triển trong khu vực tư nhân.
Theo bà Ramla Khalidi, thử nghiệm chính sách có thể giúp xác định những lỗ hổng và tính thiếu nhất quán trong các chính sách hiện hành và nhu cầu thực tế của khu vực tư nhân khi đầu tư vào KHCN và đổi mới sáng tạo. Việt Nam có thể áp dụng thử nghiệm chính sách để khắc phục những khó khăn trong thu hút đầu tư của khu vực tư nhân để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam liên quan đến đầu tư cho KHCN, đại diện UNDP cho rằng trước hết, cần phát triển khu vực doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước nhằm cải thiện tổng thể môi trường đầu tư kinh doanh về tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận tài chính và các yêu cầu thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Việt Nam có thể thực hiện một chương trình thí điểm hợp tác công tư, được xây dựng phù hợp cho mục đích nghiên cứu-phát triển và đổi mới sáng tạo. Từ đó tập trung và khai thác nguồn lực khác nhau, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài.
Cuối cùng, để khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu đầu tư vào KHCN, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần ban hành các chính sách ưu đãi và không ưu đãi về thuế để thu hút vốn đầu tư, cả trong và ngoài nước, vào các lĩnh vực ưu tiên này.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích các lợi ích, đánh giá những rào cản, vướng mắc trong thu hút đầu tư tư nhân trong việc phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm để thúc đẩy các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn đầu tư tư nhân tham gia phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đó là cần tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển KHCN, cho hoạt động nghiên cứu KHCN theo hướng khuyến khích các tổ chức KHCN sử dụng hiệu quả ngân sách, có chấp nhận rủi ro, có sự đo lường đánh giá theo kết quả đầu ra; cần khuyến khích và đẩy mạnh hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; thành lập các Quỹ Đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KHCN; thí điểm chính sách khuyến khích viện nghiên cứu, trường đại học thu hút đầu tư tư nhân vào các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo để từ đó rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và trường đại học, giữa khối ứng dụng tri thức và khối tạo ra tri thức…
Chia sẻ khó khăn của các cơ sở nghiên cứu, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết: "Không ra đề bài rõ thì rất khó để trả lời, rất khó gắn nghiên cứu với chuyển giao. Hợp tác giữa viện trường với doanh nghiệp là để giải quyết câu chuyện đề bàu này. Hơn nữa, doanh nghiệp khi hợp tác các trường đại học thì có thể tận dụng khai thác tiềm năng của đội ngũ nghiên cứu, nguồn nhân lực chất lượng cao".
Nêu thực tiễn, PGS.TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban KHCN (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết mặc dù đã có sự gia tăng rõ rệt về số lượng, chất lượng và quy mô hợp tác nghiên cứu, tiềm năng hợp tác với các đối tác của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện mới chỉ được khai thác một phần nhỏ và cần có những chính sách giúp thúc đẩy hơn nữa hoạt động này.
Do đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất Nhà nước cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm giải phóng nguồn lực của các trường đại học cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Nếu như chưa có đủ điều kiện chín muồi để ban hành các quy định chính thức thì Nhà nước có thể cho phép thí điểm một số chính sách.
Ví dụ như cho phép nhà khoa học ở trường đại học công làm việc về R&D cho doanh nghiệp (như vậy sẽ tạo điều kiện cho hợp tác công – tư thu hút đầu tư tư nhân cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo); cho phép trường đại học tự định giá tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của đơn vị và sử dụng kết quả định giá đó cho việc góp vốn hình thành doanh nghiệp KHCN…
Bên cạnh đó, cần thiết lập được và thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác công – tư phù hợp trong các trường đại học để lôi kéo được sự quan tâm đầu tư từ các đối tác tư nhân. Trong đó có thể thấy những mô hình đã được áp dụng thành công như công ty holdings của trường đại học, doanh nghiệp spin-off (sử dụng vốn công nghệ của nhà trường và tiền đầu tư của doanh nghiệp/cá nhân)…
Trong khuôn khổ Hội thảo, UNDP đã công bố và giới thiệu về Bản đồ cơ hội đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Việt Nam, do UNDP xây dựng với sự hỗ trợ của Trung tâm Thực hành và Đầu tư tác động (CIIP), đối tác chính trong sáng kiến SDG Impact của UNDP tại khu vực ASEAN.
Bản đồ là cơ sở để Việt Nam định hướng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên theo mục tiêu phát triển bền vững nhằm không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn tính đến các kết quả về môi trường và xã hội, hướng tới một tương lai xanh, bền vững và thịnh vượng.
Hoàng Giang