In bài viết

Mảnh đất của “rừng chờ, biển đợi, bát ngát gió mây”

(Chinhphu.vn) – Đó là Phú Yên, miền đất Nam Trung Bộ với núi, với biển, với không khí, mát mẻ, trong lành, với những rặng phi lao và rừng dừa xanh ngát, bãi biển cát trắng trải dài…

15/02/2016 08:22

Khi Hà Nội đang trong những ngày giá rét áp Tết Nguyên đán, chúng tôi đáp chuyến bay của Jetstar Pacific xuống sân bay Tuy Hòa vào giữa một buổi sáng…

Đón chúng tôi là bầu trời Phú Yên chan hòa ánh nắng, thời tiết rất dễ chịu, nhiệt độ chỉ khoảng 25-28 độ C. Cả đoàn lên ô tô đến địa điểm du lịch đầu tiên của Phú Yên - Tháp Nhạn.

Tháp Nhạn. Ảnh: VGP/Phan Trang
“Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ mưa đêm/ Trời mờ mưa đêm/ Anh còn nợ em/ Nụ hôn vội vàng…” Đây là những câu ca da diết trong bài hát “Anh còn nợ em” của cố nhạc sĩ Anh Bằng và địa điểm núi Nhạn được nói đến chính là ngọn núi Nhạn nằm bên bờ sông Đà Rằng.

Đứng ở độ cao 64 m trên đỉnh núi Nhạn, chúng tôi được ngắm nhìn vẻ đẹp toàn cảnh TP. Tuy Hoà bên bờ Biển Đông và dòng sông Đà Rằng.

Trên đỉnh núi Nhạn có ngôi tháp Chăm cổ kính gọi là tháp Nhạn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XI. Đây là một trong những ngôi tháp vào loại lớn của người Chăm. Ngọn tháp này được xếp hạng là Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia.

Năm 2014 tháp Nhạn  được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận một trong 10 tháp và cụm tháp cổ được nhiều du khách tham quan nhất. Đây cũng là địa danh được xem như biểu tượng của tỉnh Phú Yên.

Nhà thờ Mằng Lăng, nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên. Ảnh: VGP/Phan Trang

Đến Phú Yên không thể không đến một địa danh mang tính chất lịch sử là nhà thờ Mằng Lăng - nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Cuốn sách được in vào năm 1651 tại Roma (Italy), là quyển giáo lý "Phép giảng tám ngày" của linh mục Alexandre de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ, 1591-1660), người khai sinh ra chữ quốc ngữ.

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892, trong khuôn viên rộng khoảng 5.000 m2, rợp bóng cây xanh. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí hài hòa, giản dị nhưng tôn nghiêm.

Tên là Mằng Lăng là vì xưa kia ở xã An Thạch có rất nhiều cây tên gọi là mằng lăng, loại cây có hoa kết thành từng chùm màu tím rất đẹp.

Gành Đá Đĩa. Ảnh: VGP/Phan Trang
Dọc bờ biển của đất nước có rất nhiều gành đá, song có lẽ độc đáo và hấp dẫn nhất là gành Đá Đĩa của Phú Yên.

Gành Đá Đĩa có chiều rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên có tên gọi “gành Đá Đĩa”.

Khi đoàn chúng tôi đến nơi, trời đã về chiều, sóng đánh vào bờ đá rất mạnh. Nếu đứng sát biển có con sóng đánh vào bờ đá cao quá đỉnh đầu. Trước cảnh quan mẹ thiên nhiên ban tặng cho đất nước hùng vĩ như thế này, có ai không xiêu lòng trước Phú Yên?

Còn đây là “Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan/ Nước trời cùng với mây liên hoàn/ Mặt đầm đôi cánh chim loan mở/ Khí mát lan bay sắc đẹp tràn” có lẽ không phải tự nhiên mà nhà thơ Xuân Diệu phải thốt lên 4 câu thơ trên khi đi qua đầm Ô Loan bởi vẻ đẹp sơn-thủy nơi đây được kết hợp vô cùng hài hòa, tuyệt diệu.

Đầm Ô Loan. Ảnh: VGP/Phan Trang

Đầm được núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn cát An Hải với một lạch nước thông ra biển về phía Bắc bao bọc. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan giống như con phượng hoàng đang sải cánh.

Xinh đẹp là vậy, nhưng tên gọi đầm Ô Loan lại gắn với một tích buồn gắn với câu chuyện về sự ghen tuông của người chồng mà người vợ xinh đẹp tên Loan phải trầm mình tự vẫn để chứng minh mình trong sạch.

Đến với đầm Ô Loan, du khách không chỉ thưởng thức vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên ban tặng mà còn muốn nhâm nhi món sò huyết ngon nức tiếng.

Ngọn hải đăng Phú Yên. Ảnh: VGP/Phan Trang

Sò huyết Ô Loan to hơn sò huyết nơi khác rất nhiều, dù là được chế biến theo cách nào thì món sò huyết cũng giữ được độ ngọt rất đặc biệt mà chắc chỉ riêng nơi đây có. Nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng đã tặng cho món sò huyết Ô Loan 2 câu thơ: “Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/ Sò huyết sinh trong đáy giấc mơ xanh”.

Từ TP. Tuy Hòa đi khoảng 24 km nữa là đến Bãi Môn-Mũi Điện. Từ Bãi Môn, chúng tôi lội qua một suối nước ngọt đi theo đường núi để lên địa danh tiếp theo. Dòng suối nước ngọt chạy thẳng ra biển này tên là Suối Mơ, đã được đạo diễn Victor Vũ đưa vào bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nổi tiếng…

Vượt lên khoảng 400 bậc cấp, dài 500 m, chúng tôi lên đến Trạm Hải Đăng. Năm 1890, người Pháp xây dựng ngọn hải đăng này để định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển ra vào vịnh Vũng Rô.

Trải qua thời gian, qua chiến tranh, ngọn hải đăng đã bị đổ nát. Năm 1995, ngọn hải đăng được xây dựng và hoạt động lại. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có trên 100 năm tuổi trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động của Việt Nam và cũng là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất.

Mũi Điện (còn gọi là mũi Đại Lãnh), điểm cực Đông của Tổ quốc, là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Ảnh: VGP/Phan Trang
Từ Trạm Hải Đăng, chúng tôi đi theo một con đường mòn để đến Mũi Điện hay còn gọi là mũi Đại Lãnh, đây là điểm cực Đông của Tổ quốc và cũng là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Cuối thế kỉ XIX, một sĩ quan người Pháp tên là Varalla đã phát hiện và ghi nhận tầm quan trọng của mũi đất này trên bản đồ hàng hải thế giới và người Pháp gọi Mũi Điện là Cap Varella.

Chúng tôi chia tay Phú Yên với núi, với biển, với không khí trong lành, mát mẻ, với món sò huyết không nơi nào ngon bằng, với những rặng phi lao và rừng dừa xanh ngát, bãi biển cát trắng trải dài suốt dọc mảnh đất này… để trở về Hà Nội và hẹn một ngày gần nhất sẽ gặp lại Phú Yên “rừng chờ, biển đợi” bát ngát gió mây…

Phan Trang