Ngân hàng “đua nhau” giảm lãi suất
Ngay sau “phát súng” khơi mào của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp từ 15/10, một loạt ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay.
Ngân hàng đầu tiên trong khối cổ phần là LienVietPostBank tuyên bố hạ lãi suất cho vay 1-1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DN nhỏ và vừa.
Sau đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng công bố giảm mạnh lãi suất cho vay từ 1-1,5%/năm so với trước đây. Đối tượng được hưởng ưu đãi thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên; các DN khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực môi trường; DN có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh…
Động thái cắt giảm lãi suất vào thời điểm này có thể làm ngạc nhiên một số người bởi nhu cầu tín dụng vào cuối năm thường tăng cao. TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank được Thời báo Ngân hàng dẫn lời cho biết, 4 “động lực” để ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất là nguồn lực tài chính với vốn rẻ dồi dào; chiến lược thu hút khách hàng tại thời điểm này; bám sát tín hiệu thị trường và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc góp phần kiềm chế lạm phát, tỉ giá thông qua công cụ lãi suất; đồng thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
“Hạ lãi suất là cơ hội để ngân hàng thu hút khách hàng tốt trong dài hạn, đồng thời giúp DN giảm chi phí, phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, cả ngân hàng và nền kinh tế đều có lợi”, ông Hưởng nói.
Lãi suất đầu vào giảm là một khía cạnh, nhưng cũng không phải là cơ sở duy nhất để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra. Trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc HDBank Lê Thành Trung chia sẻ việc nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị điều hành giúp tiết giảm chi phí, cùng với việc kiểm soát nợ xấu đã tạo điều kiện để ngân hàng này giảm lãi suất đầu ra mà không cần phải hạ lãi suất đầu vào. Cụ thể, ngân hàng này đã giảm 1%/năm lãi suất cho vay với tất cả các lĩnh vực dù không công bố hạ lãi suất huy động.
Nhưng chỉ trong ngắn hạn
Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng đợt giảm lãi suất này sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất mới cho thị trường bởi có nhiều yếu tố ủng hộ các ngân hàng giảm lãi suất. Xét về góc độ vĩ mô, khả năng lạm phát giữ ở mức ổn định có tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất. Trong khi đó, NHNN cũng đang điều hành rất “nhịp nhàng” thông qua tạo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thanh khoản ngân hàng lại đang dồi dào…
Tuy vậy, trên thực tế, không phải ngân hàng nào có thể thực hiện giảm lãi suất bởi các ngân hàng nhỏ vẫn đang đứng trước áp lực phải chuẩn bị nguồn vốn trung, dài hạn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Thông tư 06. Hay những ngân hàng có nhiều nợ xấu bán cho VAMC mà tốc độ xử lý vẫn còn chậm thì rất khó giảm lãi suất…
Nhiều chuyên gia kinh tế trao đổi với báo chí và cùng đưa ra nhận định, việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ khó diễn ra trên diện rộng, do nhiều ngân hàng vẫn khó khăn. Thực tế, hầu hết các ngân hàng chỉ giảm lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Một trong những lý do được lãnh đạo các ngân hàng thương mại đưa ra là do NHNN “siết” tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn dẫn đến dư thừa và cạnh tranh cho vay gay gắt ở phân khúc này.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia được Báo Đầu tư dẫn lời cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất khó trở thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay chung của toàn thị trường bởi nợ xấu vẫn đang còn lớn. Ông Tuyển cũng đưa ra khuyến cáo không nên dùng mọi cách để nới lỏng tín dụng, vì nếu tiền bơm ra mà hấp thụ vốn kém, thì lạm phát sẽ tăng mạnh, gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng khó có thể đòi hỏi giảm lãi suất tại tất cả các kỳ hạn, nhất là diễn biến lãi suất dài hạn khó dự báo vì chịu tác động rất mạnh từ thị trường thế giới. Hơn nữa, các vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa ổn định vững vàng, 90% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa với năng lực tài chính còn hạn chế…
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng thừa nhận việc giảm lãi suất chỉ có thể áp dụng với kỳ hạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên bởi chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng duy trì rất thấp, chỉ hơn 2%. Hơn nữa, suốt 5 năm tái cơ cấu hệ thống vừa qua, các ngân hàng đã phải lấy một phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, khiến năng lực tài chính suy giảm đáng kể.
“Ngân hàng có khỏe mới hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, bên cạnh việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế, thì ngân hàng cũng phải duy trì lợi nhuận hợp lý để phục hồi sức khỏe của chính mình, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo tăng vốn, dành sức xử lý nợ xấu. Chỉ khi nợ xấu sạch bớt, áp lực dự phòng rủi ro giảm, thì ngân hàng mới có thể mạnh tay giảm lãi suất cho vay”, đại diện một ngân hàng chia sẻ trên Báo Đầu tư.
T. Minh (tổng hợp)