In bài viết

Mất cân bằng thương mại toàn cầu có thể còn kéo dài

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh không có những thể chế điều hành toàn cầu hiệu quả, sự hợp tác quốc tế đối với vấn đề bất cân bằng thương mại toàn cầu và tỷ giá hối đoái dường như ngày càng mờ nhạt. Sự mất cân bằng thương mại toàn cầu có thể sẽ còn kéo dài.

12/10/2010 16:58

Ảnh minh họa

Bộ phận Thông tin Kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí The Economist (Anh) ngày 11/10 cho rằng các nỗ lực bởi một số quốc gia nhằm làm suy yếu tỷ giá hối đoái của mình, hay định giá thấp đồng tiền, đã làm gia tăng thêm căng thẳng xung quanh sự bất cân bằng thương mại toàn cầu.

 

Những căng thẳng liên quan đến tỷ giá hối đoái bắt nguồn từ sự bất cân bằng thương mại toàn cầu ngày càng tăng.

 

Cụ thể, Trung Quốc và một số nước xuất khẩu hàng đầu đang có mức thặng dư thương mại rất lớn, và được bù đắp bởi một mức thâm hụt tương ứng ở các nước khác, dẫn tới việc trữ lượng ngoại hối của các nước thặng dư thương mại ngày càng lớn.

 

Những mất cân bằng này thể hiện một phần ở những sự không cân xứng của tỷ giá hối đoái. Sau cuộc khủng hoảng, triển vọng nhu cầu tiêu dùng yếu hơn tại một số nước thâm hụt thương mại đồng nghĩa với việc nhu cầu người tiêu dùng tại các nước thặng dư cần phải tăng để bù đắp nếu như tăng trưởng toàn cầu mạnh trở lại. Nói cách khác, sự bất cân bằng thương mại cần phải được giải quyết.

 

Tuy nhiên, thảo luận về giải pháp cho những vấn đề này dường như đi vào ngõ cụt. Việc định giá đúng đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ thúc đẩy sức mua và sẽ giúp tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc hướng tới nhu cầu nội địa. Trung Quốc đang thực hiện một số bước đi nhằm tăng cường nhu cầu nội địa, chẳng hạn thông qua tăng cường chi tiêu cho y tế. Tuy nhiên, cải thiện các hệ thống phúc lợi, một đòi hỏi chủ chốt đề khuyến khích các hộ gia đình ít tiết kiệm hơn, còn phải mất nhiều năm nữa.

 

Với xu thế hiện nay, sự mất cân bằng thương mại toàn cầu sẽ còn kéo dài. Điều này đặt ra sự cần thiết phải tăng cường hợp tác chính sách ở cấp độ toàn cầu, có thể bao gồm cả sự can thiệp có phối hợp nhằm điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

 

Charles Dallara, Giám đốc Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nhóm đại diện cho ngành ngân hàng, gần đây đã kêu gọi các cuộc thương thảo đa phương giữa một nhóm chủ chốt các nền kinh tế hàng đầu để ưu tiên giải quyết vấn đề tỷ giá hối đoái.

 

Chẳng hạn, một số đang đặt hy vọng vào G.20. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn G.20 trở thành một diễn đàn đề bàn thảo về sự ổn định kinh tế toàn cầu và sự bất ổn định của tỷ giá hối đoái. Nhưng mặc dù G20 nổi lên trong cuộc khủng hoảng toàn cầu là một diễn đàn chủ chốt đối với phản ứng chính sách phối hợp nhưng sự hợp tác trong lòng nhóm này kể từ đó cũng đã giảm sút.

 

Một vai trò lớn hơn đã được đề cập đến đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc phối hợp chính sách tỷ giá, hay tăng cường quyền lực điều hành về tiền tệ cho WTO. Tuy nhiên, IMF vẫn còn ít "phổ biến" đối với nhiều thị trường đang nổi lên, một phần là vì họ có ít đại diện, đặc biệt là tại khu vực châu Á.

 

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước do IMF chủ trì ngày 8/10 vừa qua đã thất bại và không có một sự đồng thuận nào liên quan đến giải pháp với vấn đề tỷ giá hối đoái.

 

Trong bối cảnh không có những thể chế điều hành toàn cầu hiệu quả, sự hợp tác quốc tế đối với vấn đề bất cân bằng toàn cầu và tỷ giá hối đoái dường như ngày càng mờ nhạt. Tổng Giám đốc IMF, Strauss-Kahn đã thừa nhận hồi đầu tháng 10 rằng "sự sẵn sàng hợp tác của các quốc gia, vốn rất mạnh mẽ trong thời kỳ cao trào của cuộc khủng hoảng, giờ đây không còn mạnh mẽ nữa".

 

Nguyễn Chiến