Các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã liên tục nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc nhưng đều không thành công. Phong trào Cần Vương thất bại đã chấm dứt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến. Trong thời kỳ mới, các cuộc cách mạng thế giới, đặc biệt là Cách mạng tư sản Pháp, Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc và Minh Trị duy tân ở Nhật Bản đã tác động mạnh mẽ vào nước ta. Phong trào đấu tranh của nhân dân ta lại có bước phát triển mới. Những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, bình quyền, được truyền bá; đã xuất hiện các cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ, bài trừ hủ tục, lập hội buôn, mở mang công thương nghiệp dân tộc... ở khắp các đô thị lớn và nhiều vùng nông thôn đã diễn ra nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân.
(Bác Hồ cùng các đại biểu phụ lão và thiếu nhi tại Đại hội thống nhất Mặt trận Liên Việt (1951) Ảnh: TL )
Tuy vậy, các phong trào đấu tranh vẫn không đi đến thắng lợi mà một nguyên nhân cơ bản là chưa biết phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Các phong trào đã không quy tụ được mọi lực lượng yêu nước trong nước. Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân ta bị khủng hoảng về đường lối nên đã không đoàn kết thống nhất được các lực lượng. Để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc đó cần phải có đường lối cứu nước đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế của thời đại, cần phải có tổ chức cách mạng thích hợp để có thể tập hợp toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhu cầu lập một tổ chức tập hợp mọi lực lượng yêu nước rộng rãi được đặt ra bức thiết.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên tìm thấy ánh sáng giải phóng dân tộc theo đường lối mới. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và đặc biệt là chủ nghĩa Mác- Lênin đã tạo ra bước ngoặt quyết định trong lập trường cứu nước của Người. Người đã tìm tòi, vận dụng lý luận cách mạng tiên tiến vào nước ta, hình thành đường lối cứu nước, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản và các tổ chức cách mạng của quần chúng. Trong hoàn cảnh đó, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất (MTDTTN) cũng từng bước được hình thành và trở thành một bộ phận trong đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc là tập hợp, tổ chức, giáo dục và giác ngộ nhân dân, từ đó đưa nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng rộng lớn do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Quan điểm về đoàn kết dân tộc đã phát triển, từ chỗ chỉ thuần túy hạn hẹp là đoàn kết công nông, đã mở rộng đến nhiều giai tầng xã hội, kể cả những người thuộc tầng lớp trên: “Công nông là gốc của cách mạng, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mạng của công nông” . Đây là sự hình thành ý tưởng đầu tiên về MTDTTN bao gồm nhiều giai tầng xã hội chứ không chỉ có công nông.
Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp chặt chẽ phong trào yêu nước với phong trào công nhân ở Việt Nam, đặt nền móng về tư tưởng và tổ chức, không chỉ chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản mà còn tạo cơ sở cho sự hình thành MTDTTN . Do vậy, Mặt trận Thống nhất phản đế, hình thức tổ chức đầu tiên của MTDTTN ra đời ngay sau khi Đảng vừa được thành lập là kết quả tất yếu của những tiền đề và điều kiện lịch sử mà nổi bật là quá trình chuẩn bị công phu của Nguyễn Ái Quốc về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản và MTDTTN.
Lịch sử dựng nước và giữ nước đã để lại truyền thống quý báu về đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm và cho thấy giai cấp phong kiến trước kia và các nhà yêu nước tiền bối khi không tìm ra con đường đoàn kết dân tộc, tách rời, thậm chí đối lập dân tộc với giai cấp thì đều thất bại trong các cuộc chống ngoại xâm. Chỉ từ khi Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá về trong nước đã tạo ra cho phong trào yêu nước của dân tộc một bước ngoặt mang ý nghĩa lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì khẳng định vai trò quan trọng và tính tất yếu khách quan của việc phát huy tinh thần dân tộc và vai trò lịch sử của MTDTTN .
Sự ra đời của MTDTTN Việt Nam chính là thể hiện bước chuyển biến lịch sử của tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc từ đây mang nội dung cách mạng mới. Qua mỗi thời kỳ cách mạng, Mặt trận có nhiều tên gọi khác nhau, thậm chí trong cùng thời gian có nhiều hình thức tổ chức Mặt trận, nhưng đều có tên gọi chung nhất là MTDTTN . Việc khẳng định sự cần thiết, tính tất yếu khách quan của MTDTTN là quan điểm cơ bản quyết định sự ra đời, tồn tại, phát triển của các hình thức tổ chức và phong trào Mặt trận.
Từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở Đông Dương không diễn ra giống như ở phương Tây”, và “chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam là động lực lớn của đất nước”. Nhờ động lực đó mà đã thức tỉnh tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng bổ sung, phát triển cơ sở khách quan của việc lập MTDTTN . Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Người không có tổ chức thì cũng như chiếc đũa lẻ loi, ai bẻ cũng gãy. Người có đoàn thể thì cũng như chiếc đũa, cột thành một bó, không ai bẻ gãy được.
Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhiều thế hệ người Việt Nam đã phát triển phương châm, nguyên tắc ứng xử: “Dân là gốc”, “Dân là người chở thuyền và cũng là người lật thuyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” .
Tính tất yếu khách quan của việc lập MTDTTN chống đế quốc còn xuất phát từ những tính chất, đặc điểm, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam mà trong đó luôn nổi bật đặc điểm là phải lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu chống mạnh. Chỉ có khéo biết kết hợp lực lượng mới có thể biến ít thành nhiều, biến yếu thành mạnh, biến đội ngũ cách mạng từ một nhóm nhỏ ban đầu thành lực lượng cách mạng trùng trùng, điệp điệp của cả một dân tộc.
Muốn làm cách mạng, cần phải xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, làm suy yếu hàng ngũ đối phương, phải có chiến lược, sách lược đoàn kết, tập hợp lực lượng. Tổ chức Mặt trận chính là để thực thi đường lối đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù... Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”.
Vượt qua những giới hạn do điều kiện lịch sử của các bậc cách mạng, yêu nước tiền bối, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng mâu thuẫn cơ bản, xác định đúng đối tượng, nhiệm vụ cách mạng; đồng thời lại có phương pháp cách mạng độc đáo nên không chỉ phát hiện, nhìn nhận đúng các lực lượng cách mạng, yêu nước trong cộng đồng dân tộc, mà còn đề ra nhiều hình thức tổ chức để tập hợp, nhân lên sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp xã hội. Ngoài các hình thức tổ chức truyền thống ở trong nước và quốc tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sáng tạo ra hình thức tổ chức tập hợp lực lượng của toàn dân tộc chống đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, đó chính là tổ chức MTDTTN. Tổ chức đó không chỉ mang tính phổ biến của toàn bộ tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ mà còn được cụ thể hóa, bổ sung phát triển qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng và trước mỗi yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới đều được xác định rõ về nội dung, tên gọi, cách thức tổ chức, mở rộng tập hợp lực lượng. Do vậy, đối tượng, phạm vi của tổ chức Mặt trận ngày càng thêm sâu rộng, không ngừng củng cố và mở rộng, MTDTTN được thực tế chứng minh là một quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời, tồn tại, phát triển kế tiếp nhau của các hình thức tổ chức Mặt trận Phản đế, Mặt trận dân chủ, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay đã chứng minh sự cần thiết và tính tất yếu khách quan phải lập MTDTN. Đó là nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.