In bài viết

Mây tre đan xuất khẩu chờ thời

Bước sang năm 2011, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) làm hàng mây tre đan xuất khẩu kỳ vọng vào một năm có nhiều khởi sắc hơn. Đến nay, không ít cơ sở, DN làm hàng đan lát đã có hợp đồng tới tháng 4-2011. Đây cũng là tín hiệu vui của ngành này.

17/01/2011 12:48
Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa cho biết, cơ sở của anh duy trì được việc làm ổn định cho hơn 60 công nhân đến cuối tháng 3 năm nay. Sản phẩm do cơ sở anh Dũng làm ra toàn bộ được xuất khẩu sang thị trường Đức. "Vừa rồi nghe thông tin về kinh tế châu Âu bị khủng hoảng tôi cũng lo, cứ phải gọi điện cho người quen ở bên đó hỏi thăm tình hình buôn bán thế nào. Cũng may mức độ tiêu dùng của nước Đức giảm không nhiều" - anh Dũng tâm sự. Anh hy vọng năm 2011 này sẽ không bị gián đoạn đơn hàng. Công nhân đang làm hàng tại xưởng sản xuất của HTX Định Quán. Sự mong đợi đó cũng là tâm trạng của nhiều chủ DN sản xuất hàng xuất khẩu ở lĩnh vực này. Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thắng (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, nửa cuối năm 2010 thị trường hàng mây tre đan bị đảo chiều, không giống như mọi năm vào thời điểm đó là làm hàng mạnh. Sự thay đổi bất thường khiến các DN gặp khá nhiều khó khăn. Bên cạnh việc thị trường bị giảm mạnh ở một số nước châu Âu thì sản phẩm còn bị hàng Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng. Hàng loạt khó khăn dồn đến cho nhà sản xuất. DN không có nhiều những đơn hàng lớn phải nhận các hợp đồng lẻ để duy trì sản xuất. Cũng theo nhận định của anh Thắng, năm 2011 tình hình có thể sẽ được cải thiện hơn nhờ vào thị trường Mỹ, Nhật và một số nước châu Á đang tăng khá tốt. "Theo tôi, sản xuất hiện nay cũng không như trước nữa. Năm vừa qua, trong thời gian thấp điểm (tháng 7, 8) thì khách đặt hàng nhiều hơn cả lúc bình thường. Còn mùa cao điểm thì ngược lại. Trước đây, vào mùa hè người dân châu Âu đi du lịch nhiều nên việc buôn bán bị đình trệ. Tuy nhiên, mấy năm nay kinh tế khó khăn, việc đi du lịch vào thời điểm này cũng không còn được ưu tiên đặt lên hàng đầu nữa. Vì vậy, sức mua hàng có chiều hướng tốt trong dịp này" - anh Thắng nói. Công ty Thuận Thắng năm vừa qua xuất khẩu hàng đạt gần 1 triệu USD, tăng 20% với năm 2009. Mục tiêu doanh thu xuất khẩu năm 2011 của công ty tăng khoảng 15%. Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX Định Quán (huyện Định Quán), cho biết doanh thu của HTX Định Quán năm 2010 đạt 9 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2009 nhờ vào các thị trường "ấm" lên. "Nếu thị trường châu Âu ổn định thì năm 2011, HTX sẽ đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng" - chị Thắm chia sẻ. Hiện nay, HTX Định Quán cũng đã có hàng sản xuất cho 700 lao động đến tháng 4-2011. Chủ nhiệm Thắm cũng cho hay, HTX làm hàng đan lát chủ yếu bằng nguyên liệu lục bình nhưng năm 2010 việc nước mặn xâm nhập mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cho nguồn lục bình nơi đây bị giảm đã đẩy giá lên khá cao. Đây cũng là một bất lợi cho đơn vị đang sản xuất dòng sản phẩm này. Để giảm giá thành sản phẩm có sức cạnh tranh, hầu hết các cơ sở, DN làm hàng mây tre đan đều dịch chuyển sản xuất về các vùng nông thôn để tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi. Đây là điểm mạnh của ngành sản xuất này. Theo Báo Đồng Nai