In bài viết

Miền Trung gồng mình chống lũ

(Chinhphu.vn) - Đợt mưa lũ lớn mấy ngày gần đây đã lại gây thêm nhiều thiệt hại cho cây trồng, hệ thống giao thông và đời sống nhân dân các tỉnh: Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định…

15/12/2016 12:30

Tại đập tràn Thủ Lễ (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) mực nước dâng gần 1m Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế (trưa 14/12)
Tại Thừa Thiên-Huế, đến sáng 14/12, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 150-270 mm khiến mực nước một số con sông lên mức báo động 2 đến báo động 3 làm các địa phương vùng hạ du như Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ... (huyện Quảng Điền), Hương Phong (huyện Hương Trà) và tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì (Phú Lộc) bị ngập từ 0,3- 1m.

Với việc thủy điện Hương Điền điều tiết xả lũ với lưu lượng 1.300 m3/giây (sáng 14/12) làm một số tuyến đường, nhà dân xã Quảng Thọ bị ngập. Các tuyến tỉnh lộ bị ngập sâu.

Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông nên từ nay (15/12) đến hết ngày 17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và từ ngày 16-18/12 ở các tỉnh Phú Yên đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 200 mm), riêng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to (300-400 mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.

Tính đến 17h30 chiều 14/12, nước sông Hương đạt mức báo động 3 làm một số tuyến đường thấp trũng ở TP. Huế  và khu vực nội thành TP Huế bị ngập nhẹ.

Xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà) có một trường hợp thiệt mạng do bị nước cuốn trôi.

Về sản xuất nông nghiệp, 30ha rau màu tại vựa rau lớn nhất tỉnh ở xã Quảng Thành bị ngập úng từ trận lũ trước chưa thu hoạch xong nay tiếp tục ngập, nguy cơ thiệt hại cao. Hơn 25ha trà lúa gieo sớm ở thị trấn Sịa, xã Quảng Phước, Quảng An bị ngập trong nước. Tại huyện Quảng Điền, mưa lũ đợt này đã làm hơn 150 ha hoa màu, mạ bị ngập úng từ đợt trước, đến nay tiếp tục bị nhấn chìm trong lũ.

Hiện, các hồ chứa thủy lợi như, hồ Truồi đạt 38,5 m quá cao trình ngưỡng tràn 2,5 m, hiện tại hồ đã mở cửa hoàn toàn; hồ Hòa Mỹ đạt 35,88m, vượt cao trình ngưỡng tràn 2,27 m; hồ Thọ Sơn 19,45 m, xấp xỉ ngưỡng tràn.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương triển khai phương án ứng phó ở khu vực sạt lở đất, lũ quét vùng gò đồi ven sông, ven biển; các chủ công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi thựu hiện nghiêm túc quy trình vận hành; Sở GD&ĐT căn cứ tình hình thực tế địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học...

Nhiều diện tích trồng hoa màu tại Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn bị ngập úng. Ảnh: Báo Quảng Nam (17 giờ chiều 14/12)

Tại Quảng Nam, mưa lớn từ ngày 2-14/12 cùng với việc thủy điện xả lũ đã khiến nhiều vùng trũng thấp trên địa bàn bị ngập sâu, hàng trăm héc ta hoa màu vụ đông của nông dân tiếp tục bị ngập úng, thiệt hại nặng nề.

Ở huyện tại Điện Bàn, chiều tối 14/12, mực nước sông Lai Nghi dâng cao khiến tuyến đường Lê Quý Đôn (từ Vĩnh Điện đi Hội An) bị ngập sâu 0,5 - 1,5 m.

Tuyến đường Hùng Vương (thuộc phường Thanh Hà, TP.Hội An) tiếp nối tuyến đường Lê Quý Đôn cũng bị ngập nặng. Đến cuối giờ chiều, giao thông đã hoàn toàn bị chia cắt buộc người dân tại khu vực này phải dùng đò để về nhà.

Mưa lũ cũng đã khiến các phương tiện ô tô không thể lưu thông qua tuyến đường ĐT609 từ Điện Bàn đi Đại Lộc do nước lũ chia cắt tại địa phận xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn.

Tại Hội An, tuyến đường Bạch Đằng trong khu phố cổ đã ngập hơn 1m, nhiều đoạn đường, tuyến phố cũng bị ngập nước, có nơi ngập sâu 1,5 m. Nước lũ cũng chia cắt nhiều xã, phường và vùng trũng thấp ven sông như các xã Cẩm Kim, Cẩm Thanh, phường Thanh Hà, Cẩm Nam và Minh An.

Ở các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên, Quế Sơn… mưa lũ cũng làm ngập nhiều khu vực khiến giao thông bị chia cắt, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại.

Nhiều tuyến phố ở Hội An ngập sâu trong nước. Ảnh: Báo Quảng Nam (sáng 14/12)

Cũng tại Quảng Nam, vào 20 giờ 14/12, Thủy điện A Vương tiếp tục xả tràn với lưu lượng 500 -1.000 m3/s; thủy điện Sông Bung 4A xả tràn với lưu lượng từ 200-400 m3/s. Vì vậy, nhiều địa phương thuộc vùng trũng thấp, vùng xung yếu tại Đại Lộc vẫn đang ngập sâu trong nước.

Nhiều vùng trồng rau củ quả và hoa màu chủ lực tại Đại An, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Thạnh, Đại Phong, Đại Hồng... với hàng nghìn héc ta hoa màu, rau quả vừa xuống giống lẫn diện tích đang thu hoạch đã bị xoá sổ, nhấn chìm trong lũ. Chính quyền huyện Đại Lộc đã phát đi thông tin cảnh báo lũ đến người dân, yêu cầu người dân nhanh chóng dọn dẹp, chằng chống nhà cửa, đưa người già, trẻ em, súc vật đến nơi an toàn tránh lũ.

Cũng tại Quảng Nam, các trận mưa lớn kéo dài trong đêm 14/12 đã khiến cho hơn hàng nghìn mét khối đất đá trên phía ta luy dương của tuyến Quốc lộ 40B (nối Quảng Nam với các tỉnh Tây Nguyên), đoạn tránh qua thị trấn Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam tiếp tục sạt lở.

Lượng đất mới sạt lở cùng với lượng đất đá sạt lở đợt mưa trước đã khiến đoạn đường dài hơn 100 m bị đất đá vùi lấp.

Tỉnh Quảng Nam tiếp tục yêu cầu các địa phương trong vùng thường xuyên bị sạt lở núi, bị lũ quét thực hiện đầy đủ các phương án phòng chống lụt bão để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Ngã tư Quang Trung- Hùng Vương (TP. Quảng Ngãi) ngập sâu hơn nửa mét (ảnh chụp sáng 15/12)

Mưa lớn từ đêm đến sáng ngày 15/12, đã gây ngập nặng ở hầu hết các tuyến đường ở TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), khiến giao thông bị ùn ứ. Hầu hết học sinh các trường trong khu vực trung tâm thành phố đều không thể đến trường, cán bộ, viên chức và người lao động cũng đều bị trễ giờ làm việc...

Ngày 14/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh có công văn chỉ đạo các sở ngành, đia phương, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua và chủ động ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc trong những ngày tới.

Lãnh đạo tỉnh đặc biệt lưu ý cơ quan chức năng cần thông tin, khuyến cáo người dân chủ động dự trữ đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc men… bố trí lực lượng sẵn sàng hỗ trợ di dời dân, túc trực hướng dẫn, cảnh báo các khu vực ngập sâu, ngầm, tràn…

Tỉnh yêu cầu các chủ các hồ chứa phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lượng nước đến các hồ chứa để thực hiện công tác vận hành đón lũ, trong lũ theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình hồ, đập và an toàn về người, tài sản ở vùng hạ du.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do mưa lớn gây lũ, tính đến ngày 14/12, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết (xã Diên An, huyện Diên Khánh); có 11 nhà sập, hư hỏng nặng; 224 nhà bị ngập. Tỉnh đã cho sơ tán 100 hộ với 389 người đến nơi an toàn; 1.462ha lúa bị ngập, hư hỏng; sạt lở hơn 1.100 m3 đất đá trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là khu vực Trường Đại học Nha Trang, tuyến Quốc lộ 1C, đoạn đường sắt qua hầm đèo Rù Rì; 6 phương tiện tàu thuyền bị chìm… Tổng thiệt hại ước tính 50 tỷ đồng.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên, trong đợt mưa lũ này tại huyện Tuy An có 3 người bị thương, gần 2.300 ngôi nhà bị ngập; 20 nhà dân ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) bị tốc mái; hơn 600 ha lúa vụ mùa đang chín bị ngã đổ…

Trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, tỉnh lộ có ít nhất 14 vị trí bị ngập, có nơi sâu đến 1,4m, nước tràn qua đường dẫn đến bị sạt lở kè rọ đá, sạt lở mái taluy, đất lấp rãnh dọc...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ khó khưn với người dân xóm Bắc, thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước

Tại Bình Định, mưa lớn ngày 13/12 đã gây ngập lụt và thiệt hại tại nhiều địa phương trong tỉnh. Sang ngày 14/12, ngày khi nước rút, các đơn vị và nhân dân trong tỉnh đã tiến hành khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và ổn định cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Ngày 14/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đến chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại 2 huyện Tuy Phước và Tây Sơn.

Tại huyện Tuy Phước, do phải chịu liên tiếp 4 đợt mưa  lũ kể từ đầu tháng 11 đến nay, địa phương này đã có 3 người chết, 244 căn nhà bị sập, 25 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 12,5 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở… Ðặc biệt nghiêm trọng là các đợt lũ lụt vừa qua đã làm sạt lở nặng 1,2 km đê sông Hà Thanh trên địa bàn thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, uy hiếp tính mạng và tài sản khoảng 210 hộ dân cư sinh sống trong vùng. 

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu trước mắt, huyện xuất kinh phí dự phòng để mua lương thực, nước uống hỗ trợ cho các hộ gia đình bị nước lũ cô lập dài ngày; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị thiếu đói; huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ tranh thủ nước lũ rút đến đâu khắc phục ngay các tuyến đê, kè, giao thông bị vỡ, sạt lở. Tập trung công tác tiêu độc, khử trùng môi trường, giếng nước; khắc phục sa bồi thủy phá, hỗ trợ giống lúa để nông dân chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân 2016 - 2017.

Thanh Xuân