In bài viết

Miền Trung: Rộn ràng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón Tết

(Chinhphu.vn) - Các địa phương miền Trung rộn ràng đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, từ chợ hoa, lễ hội truyền thống đến làng nghề thủ công.

17/01/2025 08:21
Miền Trung: Rộn ràng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón Tết- Ảnh 1.

Đường hoa xuân Đà Nẵng khoe sắc đón du khách tham quan - Ảnh: VGP/Minh Trang

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Đêm giao thừa ngày 28/1 ( tức 29 tháng Chạp), từ 21h30-24h sẽ có chương trình ca múa nhạc thời trang đặc biệt "Mừng Đảng - Mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới"; đêm 3/2 (tức mùng 6 Tết) là chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2/1930-24/2/1930).

Từ ngày 21/1-2/2 (tức từ 22 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết), tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa diễn ra triển lãm chuyên đề "Sắc màu xuân đất nước" và triển lãm cây cảnh, bonsai.

Miền Trung: Rộn ràng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón Tết- Ảnh 2.

Tết xưa được tái hiện qua các phiên chợ Tết, gói bánh chưng, vẽ thư pháp, trưng bày mâm cỗ, trò chơi dân gian - Ảnh: VGP/Minh Trang

Theo Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, dịp Tết Nguyên Đán 2025, Thành phố bên sông Hàn sẽ trở thành tâm điểm của không khí lễ hội với hàng loạt sự kiện truyền thống và hiện đại đặc sắc.

Tại Công viên Biển Đông, từ 15/1-19/1 (tức 16-20 tháng Chạp) diễn ra chương trình "Hương sắc xuân" tái hiện không gian Tết cổ truyền với hàng loạt hoạt động như làm bánh chưng, bánh tét, viết thư pháp, vẽ tranh và các mô hình check-in sáng tạo. Du khách có thể tham gia trực tiếp, lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ và cảm nhận nét đẹp truyền thống trong không gian biển xanh thơ mộng.

Từ ngày 17-21/1 (tức 18-22 tháng Chạp), trên tuyến đường từ Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang đến phố đêm Túy Loan diễn ra lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 tái hiện không gian Tết xưa qua các phiên chợ Tết, vẽ thư pháp, trưng bày mâm cỗ, trò chơi dân gian...

Tại Bảo tàng Đà Nẵng, chương trình "Phiên chợ ngày Tết" sẽ diễn ra ngày 19/1 ( tức 20 tháng Chạp). Phiên chợ mang đến những trải nghiệm truyền thống như nặn tò he, têm trầu, viết thư pháp, làm bánh chưng và mứt Tết.

Hoà cùng không khí chung, tại Công viên APEC, từ ngày 21-22/1 ( tức 22-23 tháng Chạp) sẽ diễn ra ngày hội gói bánh, chương trình "vui Tết cổ truyền" 2025. Đồng thời trên phố đi bộ Bạch Đằng sẽ diễn ra "Ngày hội dân gian đường phố-Chào xuân 2025" vào hai ngày 17-18/1; thư pháp "Cho chữ đầu năm" vào các ngày mồng 1, 2 và 3 Tết.

Đặc biệt, chợ hoa Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 19-28/1 (20 đến hết 29 tháng Chạp) tại khu vực quanh Cung thể thao Tiên Sơn.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình chào đón năm mới chủ đề "Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Ất Tỵ" tại không gian Quảng trường Bia Quốc Học, đường Lê Lợi (quận Phú Xuân) sẽ diễn ra từ 19h30 đến 21h30 ngày 28/1 ( tức ngày 29 tháng Chạp).

Tiếp đến là chương trình nghệ thuật chào năm mới Ất Tỵ tại Quảng trường Ngọ Môn từ 21h30 ngày 28/1 (tức ngày 29 tháng Chạp).

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian như Lễ Thướng Tiêu (dựng nêu) vào ngày 22/1 (23 tháng Chạp) tại Đại Nội Huế; Tết Hoàng cung từ ngày 23-24/1 (24-25 tháng Chạp) tại Đại Nội Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ mở cửa miễn vé đón công dân Việt Nam tham quan di tích vào ngày 29/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán 2025).

Minh Trang