In bài viết

Minh bạch hóa chính sách giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

(Chinhphu.vn)-Kinh doanh dựa trên nền tảng của chính sách nhất quán và minh bạch được đánh giá là giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao vị thế, uy tín...

16/10/2012 17:16

Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị “Đối thoại chính sách doanh nghiệp và thách thức phát triển bền vững” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Văn Chiến, Tổng biên tập Tạp chí Thanh tra, việc tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật, trong sản xuất, kinh doanh.

Những hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin liên quan tới các lĩnh vực tín dụng-ngân hàng, thanh tra, kiểm tra, chống gian lận trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, gây khó khăn trong thực tiễn kinh doanh dựa trên nền tảng minh bạch và nhất quán.

Theo ông Trương Ngọc Anh, Chánh Văn phòng, Cơ  quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN, nhiều cán bộ thẩm định tài sản khi định giá đất không hẳn  đánh giá dựa vào giá trị của đất mà lại căn cứ nhiều vào giá thị trường, mà giá thị trường ở Việt Nam quá cao so với thế giới. Tình trạng nợ xấu  tăng cao và có nhiều nguy cơ mang lại rủi ro hơn cũng xuất phát một phần vì việc “trả giá” cho việc định giá tài sản quá cao, cao hơn giá trị thật. Hơn nữa, thời gian vừa qua, có nhiều khoản vay sản xuất kinh doanh nhưng  lại đưa vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Hay các hoạt động vi phạm trần lãi suất diễn ra vừa qua, NHNN đang tích cực siết chặt quản lý vấn đề này.

Ông Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Pháp lý và Tuân thủ, Công ty TNHH ABB Việt Nam, cho biết, nhất quán và minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng để có thể giúp các tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu chi phí bất hợp lý, không mất thời gian cho các giao dịch không minh bạch, tạo lập được văn hóa tuân thủ và tôn trọng sự minh bạch trong doanh nghiệp.

Nhấn mạnh cơ chế cạnh tranh bình đẳng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng các đối tượng  kinh doanh cần có sự bình đẳng thật sự. Mọi đối tượng kinh doanh, sử dụng đất đai, đều phải được thanh tra, kiểm tra chặt chẽ.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc nâng cao tính minh bạch trong quan hệ kinh doanh sẽ giúp xã hội và nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp cần phải minh bạch, không phải tìm cách “lách luật” để “làm những điều không cấm” và phải nâng cao cả trách nhiệm với xã hội, đây là xu hướng cần hướng tới để phát triển bền vững.

Việc tăng cường đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng. Bởi qua những hoạt động này, cơ quan quản lý có cơ hội nắm bắt được những phản hồi từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp để có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Về dài hạn, chính sách nhất quán và minh bạch sẽ giúp chính doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh, duy trì sự tin cậy của các đối tác, khách hàng, cổ đông...cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh nói chung.

Huy Thắng