Mở cửa sớm để giành lợi thế đi trước
Tại Chỉ thị đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ban hành ban hành ngày 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bên kịp thời công bố lộ trình và triển khai mở cửa lại du lịch. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là ngày 30/4 và phấn đấu trước ngày 30/3.
Tại cuộc họp ngày 15/2 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, các ý kiến đều ủng hộ sớm mở cửa du lịch, đồng thời nhấn mạnh việc này không thể chần chừ.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời với sự thành công của chiến dịch ngoại giao vaccine, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
"Trong khi các nước xung quanh chưa đạt được điều này, Việt Nam phải tận dụng các lợi thế đó để mở cửa. Nếu mở cửa, lợi thế đi trước sẽ thuộc về Việt Nam", ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định nhu cầu du lịch là rất rõ ràng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1-6/2), ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không thua kém lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 (7,3 triệu lượt) - thời điểm trước dịch bệnh COVID-19 là mấy. Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.
Dù vậy, chỉ dựa vào thị trường nội địa là chưa đủ. Khách quốc tế mới giúp du lịch Việt Nam phục hồi một cách ổn định, lâu dài và bền vững. Khách quốc tế quay lại mới tạo ra được nhu cầu lớn, giúp phục hồi toàn bộ hệ thống dịch vụ.
"Hơn 6 triệu lượt khách nội địa dịp Tết Nguyên đán chủ yếu là du lịch tại chỗ. Còn nhiều nơi vẫn vắng khách dù có tài nguyên tốt. Phải có khách quốc tế vì khách quốc tế lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn", ông Cao Trí Dũng nói.
Cũng chia sẻ quan điểm về lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam khẳng định mở cửa du lịch quốc tế là chuyện sống còn đối với các ngành du lịch, hàng không Việt Nam. Hai ngành này đã bị thiệt hại ở mức chưa từng có sau gần 2 năm đại dịch COVID-19.
Chuyên gia này phân tích, trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đóng góp tới 9,2% GDP, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch. Du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam, nên du lịch quốc tế đóng vai trò quyết định đối với hàng không quốc tế.
Trước đại dịch, cứ 2 tuần ngành du lịch nước ta đạt 1 tỷ USD doanh thu du lịch quốc tế, chưa tính doanh thu vé máy bay của các hãng hàng không và doanh thu cách dịch vụ tại các sân bay quốc tế của Việt Nam.
Thời điểm phù hợp
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng nếu để đến dịp 30/4 sẽ quá trễ và Việt Nam lỡ mất thời cơ so với các thị trường du lịch khác. Theo thông lệ, tháng 4 bắt đầu vào mùa cao điểm của một số thị trường quốc tế như Thái Lan, Lào, Campuchia... và doanh nghiệp Việt Nam cần một khoảng thời gian để triển khai.
Trong khi đó, nếu mở cửa du lịch quốc tế từ 1/3 là hơi sớm vì du lịch vẫn có độ trễ, Việt Nam cần có sản phẩm, truyền thông, quảng bá, kích cầu... thì thị trường mới hấp thụ được.
"Về cơ bản, du khách từ các thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản khi quay về vẫn phải cách ly, còn Trung Quốc chưa mở cửa. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn du lịch quốc tế mở cửa vào thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất.
TS. Lương Hoài Nam cũng cho rằng đến thời điểm này, Chính phủ đã thực hiện rất thành công chiến dịch tiêm vaccine. Nước ta đã đạt tỉ lệ tiêm vaccine 2 liều cơ bản cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển (kể cả châu Âu, Mỹ). Hệ thống chống dịch ở các địa phương đã được củng cố và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Mặc dù số ca nhiễm hằng ngày vẫn cao, nhưng số ca chuyển bệnh nặng, tử vong đã khá thấp.
"Nếu kéo dài thêm tình trạng đóng cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp du lịch sẽ mất nhiều lao động hơn nữa, cạnh tranh quốc tế bất lợi hơn nữa. Việc chờ đợi không những sẽ không làm cho mức độ sẵn sàng của cách doanh nghiệp du lịch tốt lên mà thậm chí còn làm cho việc mở lại du lịch quốc tế khó hơn, kém hiệu quả hơn.
Đặc biệt, việc chậm mở của du lịch quốc tế cho TPHCM không chỉ khó khăn, thiệt hại cho ngành du lịch của TPHCM và điểm đến du lịch lớn nhất Việt Nam này mà còn khó khăn cho ngành du lịch ở hàng loạt các địa phương phía nam.
Hầu hết du khách quốc tế đến các địa phương phía nam thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và nối dài chương trình du lịch từ TPHCM đến các địa phương đó. Kể cả du khách đến Phú Quốc, nơi có sân bay quốc tế, thì phần lớn du khách quốc tế đến Phú Quốc vẫn đi qua TPHCM thay vì bay thẳng đến Phú Quốc và chỉ ở Phú Quốc", TS. Lương Hoài Nam nhận xét.
Gỡ bỏ các rào cản để phục hồi du lịch
Cùng với mong muốn cho phép mở lại du lịch quốc tế, công bố rộng rãi để khắp thế giới biết rõ, giới chuyên gia đề xuất, đi cùng với đó là một chương trình quảng bá mạnh về du lịch Việt Nam và việc phục hồi tất cả các chính sách du lịch quốc tế trước đại dịch COVID-19.
Trong đó, quan trọng nhất là cần phục hồi chính sách miễn visa du lịch đã áp dụng cho 13 quốc gia ngoài ASEAN và xem xét tiếp tục mở rộng danh sách các thị trường nguồn du lịch quốc tế được miễn visa, hoặc có chính sách visa dài hạn 5-10 năm cho một số nước như Mỹ, Australia, New Zealand…, hoàn thiện các kênh xin và cấp visa online (E-Visa), xin và cấp visa trực tiếp tại các cửa khẩu ngay khi nhập cảnh (Visa-On-Arrival).
Tại cuộc họp ngày 15/2, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
"Trước hết, có thể mở cửa du lịch quốc tế cho TPHCM, Hà Nội và một số địa phương du lịch lớn, những nơi đã có tỷ lệ tiêm vaccine 2 liều cơ bản đủ cao và hệ thống y tế tốt", TS. Lương Hoài Nam khuyến nghị.
Các chuyên gia đồng thời lưu ý, một trong những điểm yếu cố hữu mà du lịch Việt Nam cần khắc phục để thu hút khách du lịch chính là thủ tục hành chính.
Vì thế, các địa phương phải thống nhất trong ban hành, áp dụng các điều kiện về phòng chống COVID-19, phù hợp các quy định chung của Chính phủ.
Cùng với đó, quy định của Việt Nam cho du khách quốc tế cần được công bố rộng rãi như một cam kết với du khách, các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch ở nước ngoài.
"Du khách quốc tế thường đến nhiều địa phương trong chương trình tour 1-3 tuần, rất khó chấp nhận mỗi nơi làm một kiểu, làm cho việc di chuyển trong Việt Nam khó khăn, trải nghiệm du lịch bị tổn hại. Các thông tin du lịch quốc tế được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đưa vào hệ thống phân phối điện tử của các hãng hàng không, lữ hành, không thể xử lý được nếu mỗi địa phương có những quy định, cách làm riêng", ông Lương Hoài Nam nhận xét.
Thành Luân