In bài viết

Mô hình kinh tế ở Ba Chẽ: xóa đói giảm nghèo hiệu quả

QNP – Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với các xã vùng cao khó khăn, những năm gần đây, huyện Ba Chẽ đã có nhiều giải pháp, tập trung đầu tư phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt và bước đầu đã đem lại hiệu quả.

17/12/2010 15:46

Có thể nói, với nỗ lực phấn đấu không ngừng thực hiện mục tiêu từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị, huyện Ba Chẽ đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các huyện miền núi có cơ hội vươn lên thoát nghèo thông qua các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở 8 xã, thị trấn trong huyện đang tích cực phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống của các hộ dân được cải thiện và có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình là mô hình nuôi nhím sinh sản. Đến nay, một số gia đình nuôi nhím đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cụ thể như gia đình anh Lã Văn Hùng ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đac, được huyện hỗ trợ 70% con giống, anh mạnh dạn mua 4 con và hiện nay gia đình anh có 18 con nhím. Anh cho biết: “ Theo chu kỳ sinh sản, cứ 6 tháng đã có một lứa nhím sinh sản và mỗi một đôi nhím giống trị giá khoảng 17 triệu đồng. Ngoài ra, nuôi nhím rất đơn giản, không tốn thời gian chăm sóc, khâu chuồng trại đầu tư ít, thức ăn đơn giản; nếu áp dụng kỹ thuật nuôi theo đúng phương pháp được tập huấn thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao”. Được biết, những năm gần đây, các hộ gia đình nuôi nhím ở Ba Chẽ rất phấn khởi vì đời sống đã được nâng lên rõ rệt. Không những thế, họ còn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, của huyện về con giống, được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi nhím. Vì vậy mô hình nuôi nhím sinh sản cần được nhân rộng ra tất cả các địa bàn xã, thị trấn để nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.


anh ghep nhim nha anh la van hung.jpg

Anh Lý Văn Hùng, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc đang giới thiệu về mô hình nuôi nhím sinh sản


Ba Chẽ có điều kiện tự nhiên, khí hậu khá phù hợp với mô hình nuôi lợn rừng. Đây một hướng phát triển kinh tế mới của người dân huyện Ba Chẽ và là một trong những mô hình được huyện xác định tập trung đầu tư để phát triển sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, mức đầu tư ban đầu cho mô hình này không phải thấp, vì vậy huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ 100% con giống và 60% chuồng trại cho người dân tham gia mô hình này. Ngoài ra, các cán bộ huyện cũng thường xuyên giúp đỡ để người dân chủ động tìm hiểu kiến thức chăn nuôi và kiên trì thực hiện.

Đến thăm anh Nịnh Văn Long và chị Hoàng Thị Hường ở làng Mô, xã Đồn Đạc, anh chị cho biết: gia đình anh được huyện hỗ trợ 3 con giống và 60% tiền làm chuồng trại từ chương trình hỗ trợ của huyện. Hiện nay, 3 chú lợn này phát triển rất tốt và chờ ngày sinh sản.

anh ghep chi hoang thi huong gioi thieu dan lon rung.jpg

Chị Hoàng Thị Hường, làng Mô, xã Đồn Đạc giới thiệu về mô hình nuôi lợn rừng

Trao đổi với chúng tôi, chị Hường cho biết thêm: nuôi lợn rừng không khó khăn vì thức ăn rất sẵn, kết hợp cho ăn thêm cám dinh dưỡng song chi phí cũng không đáng kể. Giống lợn rừng khỏe, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương. Tuy nhiên, anh chị phải thường xuyên nắm bắt thông tin KHKT, khí hậu, thời tiết để có hướng theo dõi dịch bệnh trên đàn gia súc để phòng tránh kịp thời, tránh những tổn thất không đáng có.

Lợi dụng diện tích đất rộng, anh chị còn kết hợp chăn nuôi lợn rừng, lợn lai, lợi lái sinh sản và lợn lấy thịt với số lượng 37 con. Việc kết hợp mô hình kinh tế này đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh chị. Bên cạnh đó, tận dụng chất thải của quá trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, gia đình anh chị xây dựng hầm khí biôga để tạo ra điện sinh hoạt, gas đun nấu vừa tiết kiệm điện vừa giảm thải sự ô nhiễm cho môi trường.

Với mục đích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, bắt đầu từ năm 2006, huyện Ba Chẽ triển khai mô hình trồng cây thanh long ruột trắng với tổng diện tích 2,4 ha tập trung ở các xã Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, mỗi hộ trồng bình quân từ 20-30 hom. Tiếp đến, năm 2009 Phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ, đã đưa vào trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ ở hai xã Nam Sơn và Đồn Đạc. Qua hơn 1 năm triển khai giống cây này đã thực sự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, bước đầu hứa hẹn cho năng suất và sản lượng cao.

Giống Thanh long trồng rất sai quả, cho năng suất cao. Thanh long thời gian trồng 2 năm bắt đầu cho quả, từ năm thứ 3 trở đi sẽ cho thu hoạch rộ. Mỗi vụ thu hoạch kéo dài trong 3- 4 tháng. Thanh long sinh trưởng và phát triển trong thời gian từ 12-15 năm. Đây là một hướng đi mới trong việc ứng dụng trồng cây thanh long ruột đỏ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp.

anh ghep chi dao thi thuan gioi thieu ve vuon thanh long.jpg

Chị Đào Thị Thuận, thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn giới thiệu mô hình trồng cây thanh long ruột trắng và ruột đỏ

Đến thăm gia đình anh Lý Văn Sinh và chị Đào Thị Thuận, thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn. Nhìn cơ ngơi khang trang của anh chị, nhiều người không khỏi mơ ước. Chị tâm sự: “từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi trồng trọt, gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều. Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 120 gốc thanh long ruột trắng và 30 gốc thanh long ruột đỏ. Đây loại cây chăm sóc khá đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Việc kết hợp mô hình chăn nuôi và trồng trọt đang được huyện khuyến khích nhân rộng. Việc nhân rộng các mô hình kinh tế này sẽ giúp đời sống người dân nơi đây được cải thiện, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị.