Phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội, qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo của Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại. Đồng thời, Hà Nội sẽ phấn đấu phát triển vùng ngoại ô trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước để đưa nông thôn Thủ đô trở thành miền quê đáng sống, gắn với phát huy thế mạnh của đất trăm nghề và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân. Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 379 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, Hà Nội có huyện Đan Phượng là điểm sáng của Thủ đô khi không ngừng nỗ lực, phấn đấu và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, với định hướng trở thành huyện nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu trước khi trở thành quận, sau khi hoàn thành 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2021 huyện Đan Phượng đã tập trung đầu tư cho 5 xã gồm: Xã Đan Phượng, Thọ Xuân, Liên Hà, Tân Hội, Song Phượng đủ điều kiện đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Đan Phượng sẽ huy động trên 5.400 tỷ đồng đầu tư song hành 2 nhiệm vụ phát triển huyện thành quận, đồng thời hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2022, huyện Đan Phượng cũng đã chỉ đạo rà soát kết quả thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường để làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, lựa chọn 6 xã (Liên Trung, Đồng Tháp, Phương Đình, Trung Châu, Thượng Mỗ, Tân Lập) xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Đồng thời chỉ đạo các xã, các ngành xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.
Mới đây, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng đã tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 và sẽ phát triển xã thành phường. Theo ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, UBND xã Đan Phượng đã tích cực vận động nhân dân chỉnh trang bộ mặt nông thôn tập trung đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quan tâm thiết chế văn hóa, giáo dục và y tế để hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, xã cũng gặp không ít khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài, nguồn lực được tập trung cho phòng chống dịch ảnh hưởng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc quy hoạch chung các dự án của huyện, thành phố cũng làm hạn chế phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, lao động nông nghiệp dịch chuyển mạnh sang công nghiệp – dịch vụ...
Mặc dù vậy, công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương vẫn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát của huyện và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của nhân dân trong xã. Trên cơ sở các tiêu chí, các văn bản chỉ đạo, xã đã tổ chức thực hiện có hiệu quả, các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu như: Kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ mặt đường, rãnh thoát nước, vỉa hè, cây xanh; 100% nhà ở được đánh số, đường có biển chỉ dẫn, các tuyến đường được trồng hoa và vẽ tranh bích họa; trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, trường Mầm non và Tiểu học đạt chuẩn mức độ 2…
"Có thể khẳng định, với sự đồng thuận của nhân dân, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, xã Đan Phượng đã thực sự trở thành miền quê đáng sống giữa lòng thủ đô Hà Nội với các giá trị văn hóa truyền thống được giữ vững, nhân dân hài lòng với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, với mức thu nhập bình quân đầu người trên 77 triệu đồng/người/năm", ông Thông cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Hiển, Chủ tịch xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đưa xã Trường Yên cán đích nông thôn mới nâng cao năm 2022, thời gian qua xã đã tích cực kêu gọi sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đóng góp của bà con nông dân. Xác định xây dựng nông thôn mới là "của dân, do dân, vì dân" với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", khi chính quyền xã tổ chức công bố đề án và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bên cạnh nguồn ngân sách thành phố và huyện hỗ trợ, xã Trường Yên đã huy động sự đóng góp của toàn thể nhân dân và thực hiện xã hội hóa.
"Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", để huy động được nguồn lực cho xây dựng các công trình phúc lợi xã hội hóa ở xã, người dân và các cụm dân cư đã họp bàn kỹ lưỡng, cử ra Ban kiến thiết, Ban vận động để phân tích, giải thích rõ mục đích, ý nghĩa cho bà con nhân dân được biết và hiểu rõ bản chất của vấn đề. Đồng thời mọi sự ủng hộ, đóng góp của từng cá nhân, tổ chức hay tập thể đều được công bố công khai, minh bạch. Từ đó đã tạo động lực để người dân tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng và làm đẹp cho chính quê hương của mình.
"Nói là làm và nhất là khi thấy càng xây dựng diện mạo nông thôn càng thay đổi, khang trang hơn, bà con nông dân đã hăng hái tham gia đóng góp, ai có công góp công, ai có của góp của, mỗi người một việc. Tính từ năm 2011 đến năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn xã đã đầu tư 35,627 tỷ đồng, người dân đóng góp, ủng hộ 31,465 tỷ đồng thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới..."- ông Hiển cho biết thêm.
Điển hình như công trình xây dựng nhà đa năng trường THCS Trường Yên với diện tích 520 mét vuông, công trình bê tông hóa sân trường Tiểu học xã Trường Yên có giá trị gần 4 tỷ đồng được ông Nguyễn Xuân Đông, Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng ủng hộ. Hay nhà văn hóa xóm Bình Minh với kinh phí 1,6 tỷ đồng do nhân dân đóng góp 100%; công trình cải tạo sân thể thao, bóng chuyền hơi trị giá 350 triệu đồng; công trình cải tạo ao ngõ Cống, ao Chùa, hồ Vũng Voi với kinh phí hơn 1 tỷ đồng đã được huy động để giải quyết ô nhiễm nguồn nước, làm hồ sinh thái,...
Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình phúc lợi từ đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, đình, chùa… cũng được xây dựng từ nguồn kinh phí của người dân và doanh nghiệp đóng góp. Đặc biệt, để giữ gìn cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, người dân trong xã còn nâng cao ý thức, nhắc nhở nhau để rác đúng nơi quy định, không thả rông trâu, bò làm mất mỹ quan làng xóm...
Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh xã cũng phối hợp xây dựng được 3 công trình đường bích họa ở khu vực Trạm y tế, Trường tiểu học, Trường THCS, khu vực trung tâm xã.
Nhờ sự đóng góp ấy, kinh tế-xã hội xã Trường Yên tiếp tục có bước phát triển. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 63,5 triệu đồng/người; công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,24%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư. Đặc biệt đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức các đợt tiêm vaccine COVID-19 đảm bảo an toàn với tỉ lệ bao phủ vaccine cao.
Kinh tế nông thôn không ngừng phát triển, ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục giữ vững sự ổn định và phát triển. Sản xuất của các làng nghề được duy trì, sản xuất nông nghiệp ổn định, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng được quan tâm.
Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung các nguồn lực, khai thác triệt để các nguồn thu tại xã và tăng cường tuyên truyền vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn để nâng cao các tiêu chí lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường. Đồng thời, tiếp tục xã hội hóa để xây dựng các sân chơi cộng đồng, tổ chức tốt phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trên địa bàn. Bổ sung các quy ước về xây dựng làng văn hóa gắn với nông thôn mới nâng cao, nhất là thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ.
Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội
Thiện Tâm