Ảnh minh họa - Báo Thái Nguyên |
Theo đó, 5 nghệ nhân sẽ tổ chức trao truyền qua các thế hệ cho 90 học viên. Phương thức tổ chức thực hiện theo phương pháp phỏng vấn, ghi chép theo dạng hồi cố; phương pháp quan sát tham dự; bảo tồn và phát huy trong cộng đồng sẽ do chính nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho lớp thanh, thiếu niên của cộng đồng; phương pháp bảo tồn trong đời sống thực tiễn là phục dựng trong sinh hoạt lao động cả về nội dung, môi trường và bối cảnh đảm bảo tính khách quan, chân thực.
Lớp học do chính các nghệ nhân của cộng đồng truyền dạy cho các thanh thiếu niên của dân tộc bản địa nhằm từng bước khôi phục và góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đặc biệt là các dân tộc có số dân rất ít người.
Hoạt động này nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.
Việc tổ chức lớp học sẽ từng bước sưu tầm, khôi phục và gìn giữ, bảo tồn giá trị nhân văn trong nghi lễ tín ngưỡng, phát huy tính năng tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc Dao. Góp phần thiết thực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đồng thời nhằm khơi dậy phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao. Mặt khác động viên đồng bào dân tộc Dao trong việc tự bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.
Thảo Cầm