Những dấu ấn tiên phong trong thời kỳ đổi mới
Phó Thủ tướng và các đại biểu đã cùng nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng đất mang trong mình những huyền thoại đất và người, nơi thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng tự do, thái bình, no ấm của các bậc tiền nhân quật khởi và hiên ngang trong chống giặc ngoại xâm và sự hòa hợp với thiên nhiên.
Vùng Mô Xoài xưa với bưng, bàu, sình lầy, rừng thiêng, nước độc, cùng những làng chài nơi vũng, vịnh kín gió dần trở thành miền đất an lành, xanh tươi, trù phú, ghi những dấu ấn đầu tiên trong tiến trình khai hoang, mở cõi của tổ tiên từ thế kỷ 16 - 17.
Ngày nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và địa kinh tế độc đáo với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối liên vùng, đặc biệt là hệ thống cảng biển quốc tế, có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 200 nghìn tấn để trở thành một trong những "cửa ngõ" kết nối quan trọng của vùng Đông Nam Bộ với cả nước, kết nối Việt Nam với quốc tế.
Với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Bà Rịa-Vũng Tàu lại ghi những dấu ấn tiên phong trong thời kỳ đổi mới, trở thành cái nôi, "căn cứ địa" của ngành dầu khí - năng lượng, đi đầu trong phát triển hệ sinh thái kinh tế - dịch vụ biển, là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của đất nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 5,94%/năm. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt hơn 366 nghìn tỷ đồng, đóng góp 3,51% tổng GDP của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 8 nghìn USD/người/năm, cao gần gấp đôi GDP bình quân đầu người cả nước (4.284 USD).
Đến nay, tỉnh đã thu hút được 465 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký lên đến 33 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện và có sự phát triển vượt bậc. Giáo dục, y tế, văn hóa của tỉnh được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển dân trí và chất lượng cuộc sống người dân.
"Ấn tượng mạnh mẽ trong những lần tôi về thăm lại Bà Rịa – Vũng Tàu là sự đổi thay nhanh chóng của bộ mặt đô thị, môi trường, cảnh quan, đặc biệt là khi chứng kiến niềm vui, hạnh phúc và đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao của những người dân nơi đây. Đó chính là những thành quả của sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, khoa học, bài bản trong nói và làm", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua.
Khai phá không gian, tiềm năng phát triển mới
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Bộ, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh chia sẻ: Quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt.
Vì vậy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn xác định xây dựng và triển khai Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là cơ hội quý để kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, làm mới những động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực phát triển mới, thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị công.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch chung của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là bước cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh riêng có của tỉnh.
Quy hoạch sẽ mở ra không gian phát triển, tạo động lực đổi mới để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển quốc gia với hệ thống logistics cảng biển, dịch vụ hàng hải quốc tế; trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm năng lượng sạch, công nghiệp xanh có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai không xa sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội đa tầng; sống trong môi trường trong lành, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy.
Tạo đột phá, giá trị mới từ tri thức, năng lượng tái tạo, hạ tầng chuyển đổi số
Phó Thủ tướng nêu rõ, cánh cửa mới, con đường mới đã mở, tuy nhiên, để quy hoạch đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần tổ chức thực thi hiệu quả. Nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo đổi mới sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát thực hiện bản quy hoạch này.
Đặc biệt, cần rút ra các bài học phát triển của các đô thị để Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ là nơi đáng đầu tư, mà còn là nơi đáng sống, đáng trải nghiệm.
Trước hết, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiên phong dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh của cả nước. Với tiềm năng điện gió, điện mặt trời và điện nền từ khí.
Theo Phó Thủ tướng, tiềm năng, tài nguyên sắp tới của Bà Rịa - Vũng Tàu là phải tạo đột phá, giá trị mới từ nền kinh tế dựa vào tri thức, năng lượng tái tạo, hạ tầng chuyển đổi số, từ đó hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong đó, ngành công nghiệp dầu khí, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, lựa chọn chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
"Tỉnh cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó ngành dầu khí đóng vai trò nòng cốt để xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời). Bà Rịa - Vũng Tàu phải khẩn trương triển khai thí điểm một số dự án năng lượng tái tạo, giúp cả nước lựa chọn mô hình, công nghệ, xây dựng môi trường pháp lý tốt nhất cho ngành công nghiệp, dịch vụ điện gió ngoài khơi, phát triển các trung tâm điện gió ngoài khơi kết hợp cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi biển, du lịch, bảo vệ chủ quyền biển đảo", Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cần cân bằng, hài hòa trong lựa chọn lợi thế phát triển công nghiệp, cảng biển, logistic và tiềm năng về du lịch, dịch vụ với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người vô cùng giàu có, đa dạng.
Phó Thủ tướng lưu ý, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu là phải xây dựng, xác định rõ hình hài của khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bà Rịa - Vũng Tàu sớm cụ thể hóa quy hoạch chung bằng các quy hoạch, không gian kinh tế, kỹ thuật, phân khu chức năng bài bản, đồng bộ, tổng thể, tạo thành không gian, tài nguyên mới cho phát triển, giảm đi các xung đột, mâu thuẫn", Phó Thủ tướng nói.
Trong đó, tỉnh cần quán triệt Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đô thị hóa là động lực phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời khắc phục được các nhược điểm của các đô thị lớn hiện nay như sức ép dân số, hạ tầng kỹ thuật quá tải, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm…
Quy hoạch không gian đô thị của Bà Rịa - Vũng Tàu phải tạo dựng hạ tầng kết nối đa phương thức, đa mục tiêu, sử dụng bền vững tài nguyên đất, quản lý không gian ngầm, nhanh chóng chuyển đổi sang giao thông xanh, thích ứng biến đổi khí hậu… đáp ứng tiêu chí đô thị sinh thái, thông minh dựa vào chuyển đổi số.
"Bà Rịa - Vũng Tàu đã lựa chọn con đường phát triển mới, cánh cửa đã mở, tiềm năng đã hiện hữu. Tỉnh cần nắm bắt cơ hội để lựa chọn những ưu tiên tốt nhất, phù hợp nhất, phát huy hiệu quả hơn nữa mạng lưới liên kết nội vùng, liên vùng", Phó Thủ tướng nói.
Các nhà đầu tư đặt niềm tin, đồng hành cùng Bà Rịa - Vũng Tàu
Tại Hội nghị, đã có 15 dự án được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tóng vốn đầu tư là 25.700 tỷ đồng và 1,48 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là sự lựa chọn của các nhà đầu tư đã đặt niềm tin, đồng hành cùng Bà Rịa - Vũng Tàu trên con đường phát triển thịnh vượng, bền vững, tiếp tục đạt được những kỳ tích trong công cuộc chuyển đổi xanh.
* Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc).
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Lee Sang Woon cho biết, Hyosung là DN Hàn Quốc được thành lập vào năm 1966 với doanh thu năm 2023 gần 20 tỷ USD. Hyosung đã trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như dệt may, hóa chất, vật liệu công nghiệp, công nghiệp nặng, công nghệ thông tin với 36 cơ sở sản xuất trên toàn cầu.
Hyosung bắt đầu hoạt động đầu tư kinh doanh vào Việt Nam từ năm 2007. Tính đến nay, Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD với khoảng 9.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng đánh khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh theo đúng pháp luật và bền vững.
Vấn đề môi trường lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng mong muốn, Tập đoàn Hyosung tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển các sản phẩm mũi nhọn, thu hút thêm nhiều lao động tại địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với DN Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương để nhanh chóng xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Minh Khôi