Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche (giữa) nhấn mạnh: Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam sắp tới của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ như một dấu ấn đặc biệt, mở ra một chặng đường 50 năm hợp tác tiếp theo giữa hai nước - Ảnh: VGP/Hương Giang
Ngày 27/3, tại Hà Nội, chia sẻ với báo giới trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 30/3 đến ngày 4/4 của Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche cho biết, năm 2023, Việt Nam và Bỉ đã long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu lần này như một dấu ấn đặc biệt, mở ra một chặng đường 50 năm hợp tác tiếp theo giữa hai nước.
Theo thông lệ, mỗi năm, Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ chỉ thực hiện một hoặc hai chuyến thăm cấp nhà nước tới một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và một nước ngoài EU. Việc Việt Nam được chọn là điểm đến ngoài EU năm nay thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với Bỉ.
Tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu có gần 150 đại biểu cấp cao, thành viên Hoàng gia, quan chức, doanh nghiệp, đặc biệt có sự góp mặt của 5 Bộ trưởng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Maxime Prevot; Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort; Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Elisabeth Degryse; Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonia Adrien Dolimont và Bộ trưởng Brussels của chính quyền vùng Flanders Cieltje Van Achter.
Bỉ là một quốc gia có hệ thống chính quyền đặc biệt, bao gồm 3 vùng chính: Flanders (nói tiếng Hà Lan), Wallonia (nói tiếng Pháp) và Brussels (Thủ đô, song ngữ). Do đó, sự hiện diện của các bộ trưởng với đầy đủ quyền hạn chính trị các vùng không chỉ thể hiện sự đa dạng của đoàn cấp cao của Bỉ, mà còn là sự coi trọng dành cho Việt Nam.
Đại sứ kỳ vọng rằng, nhân dịp này, hai bên sẽ đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, ký kết các văn bản hợp tác, bao gồm 4 văn kiện cấp cao tại Phủ Chủ tịch, 21 văn kiện khác tại các địa điểm của Hà Nội và 9 văn kiện tại TPHCM.
Theo Đại sứ Karl Van Den Bossche, đây không phải lần đầu tiên Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu tới thăm Việt Nam. Trước đó, Nhà vua Bỉ từng đến thăm Việt Nam vào các năm 1993, 2003 và 2012 với tư cách là Thái tử Philippe. Còn Hoàng hậu Mathilde đã đến Việt Nam năm 2012 với tư cách Công nương Bỉ cùng với Thái tử Philippe và năm 2023 với tư cách Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ.
Những điểm tương đồng kết nối hai quốc gia
Đại sứ Karl Van Den Bossche chia sẻ, năm 1973, Bỉ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên sớm công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Bỉ luôn tự hào về quyết định này.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được tăng cường, củng cố, phát triển sâu sắc và đa dạng, cả về số lượng và chất lượng, về chiều rộng cũng như chiều sâu, về song phương cũng như trên bình diện đa phương trên cơ sở nhiều điểm tương đồng.
Về kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Việt Nam không chỉ là một "con hổ kinh tế", mà còn hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, Bỉ mong muốn trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và logistics thông minh.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 3,7 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Bỉ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Bỉ vào Việt Nam đạt 886 triệu USD, xếp thứ 49 trong số các quốc gia xuất khẩu sang Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là Công ty John Cockerill của Bỉ đang triển khai dây chuyền sản xuất máy xúc tác hydro, giúp Việt Nam không chỉ tự chủ năng lượng xanh, mà còn trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Đông Nam Á.
Ngoài kinh tế, hai nước còn có nhiều điểm tương đồng về lịch sử. Bỉ là nơi đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1917). Tương tự, Việt Nam cũng gánh chịu hậu quả nặng nề từ chất độc da cam. Chính những tổn thất chung này đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa hai dân tộc. Hiện nay, Bỉ đang hỗ trợ Việt Nam trong các dự án xử lý đất nhiễm độc, biến những vùng đất ô nhiễm thành khu vực có thể sử dụng cho nông nghiệp, công nghiệp và nhà ở.
Trong chuyến thăm này, Nhà vua Bỉ và Hoàng hậu sẽ thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TPHCM, tham quan triển lãm về chất độc da cam và gặp gỡ các nạn nhân. Đây không chỉ là hoạt động mang tính biểu tượng, mà còn thể hiện cam kết của Bỉ trong việc đồng hành cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.
Hợp tác học thuật cũng là một trong những điểm sáng của quan hệ hai nước. Hiện có hơn 5.000 cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Bỉ, đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc kết nối và phát triển quan hệ song phương.
Đặc biệt, các dự án hợp tác đang được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, công nghệ nano và dược phẩm. Một ví dụ tiêu biểu trong ngành dược phẩm là Tập đoàn GSK, dù là tập đoàn của Anh, nhưng trung tâm nghiên cứu và sản xuất lớn nhất của GSK lại đặt tại Bỉ, với hơn 5.000 nhân viên. Đáng chú ý, 30% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng bằng vaccine từ GSK, cho thấy sự đóng góp quan trọng của Bỉ trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.
"Do đó, chuyến thăm của Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde không chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, khoa học và giáo dục, đánh dấu một chặng đường mới trong mối quan hệ Việt Nam - Bỉ", Đại sứ Karl Van Den Bossche nhấn mạnh.