Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Đỗ Sơn Hải, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thổ Nhĩ Kỳ mang ý nghĩa hết sức quan trọng với quan hệ hai nước.
Đây là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ tới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời lại diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1978-2023).
Quan hệ của hai nước đã đạt được nhiều bước tiến trong 45 năm qua, tuy nhiên dư địa hợp tác song phương còn rất lớn, trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, cả Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều rất coi trọng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, coi đây là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi, xây dựng phương hướng hợp tác trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, ông Hải nhấn mạnh. "Chuyến thăm sẽ khẳng định sự tin cậy lẫn nhau, quyết tâm từ cấp cao nhất trong phát triển quan hệ song phương".
Về những dấu ấn nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua, Đại sứ nhấn mạnh, quan hệ hai nước đã trải qua chặng đường dài 45 năm gây dựng và phát triển.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hướng sự quan tâm về Việt Nam rõ rệt hơn, thể hiện qua các chính sách về chính trị, kinh tế mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng, triển khai thời gian qua.
Cụ thể, "Sáng kiến châu Á mới" và "Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở xa" của Thổ Nhĩ Kỳ đều ưu tiên định hướng thương mại tới khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Với "Sáng kiến châu Á mới", Thổ Nhĩ Kỳ xác định hướng đi dài hạn gồm nâng cao quan hệ song phương, đẩy mạnh kết nối khu vực thương mại tư nhân hai nước, tăng cường hợp tác nghiên cứu, và thúc đẩy kết nối giữa nhân dân hai nước.
Trong "Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở xa", Việt Nam là một trong 18 quốc gia mục tiêu của Chiến lược. Kế hoạch hành động với 12 giải pháp đã được xây dựng, trong đó tập trung vào nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, năng lượng, và vận tải.
Theo Đại sứ, trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa hai nước đang có những chuyển biến khá tích cực. Về chính trị, hai bên đã tiến hành nhiều hơn các chuyến thăm, hội đàm với cấp ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, hai quốc gia luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thời điểm khó khăn. Trong giai đoạn dịch COVID-19, hai nước đã có những hỗ trợ kịp thời cho nhau về trang thiết bị y tế và vaccine.
Sau thảm họa động đất khủng khiếp đầu tháng 2/2023 khiến đất nước, người dân Thổ Nhĩ Kỳ chịu nhiều mất mát về người và của, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã cử hai đoàn cứu hộ, cứu nạn tới hỗ trợ, trao các trang thiết bị, vật tư y tế nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ xử lý hậu quả thiên tai.
Về kinh tế, quan hệ kinh tế thương mại đang được cải thiện tích cực sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm 2021.
Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhóm các nước ASEAN, sau Malaysia. Hai nước cũng đang tích cực trao đổi, tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
"Tôi tin tưởng quan hệ Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những sự thay đổi về chất trong thời gian tới. Nhiều nội dung hợp tác mới đang được mở rộng, được hai bên trao đổi thường xuyên ở nhiều cấp, trong đó bao gồm hợp tác về an ninh quốc phòng", Đại sứ cho biết.
Với nhiều dư địa phát triển, hợp tác kinh tế thương mại được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc. Nếu tận dụng tốt, Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng. "Đầu tư cũng là yếu tố tôi rất kỳ vọng. Với thế mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ, tôi mong hai nước có thể tăng cường trao đổi, có các dự án chung đạt hiệu quả cao", Đại sứ nói.
Hợp tác về văn hóa, du lịch có rất nhiều tiềm năng. Hai nước đều có lịch sử văn hóa hào hùng, những địa điểm, di tích lịch sử quan trọng hay thiên nhiên hùng vĩ. Thông qua các hoạt động du lịch, người dân hai nước có thể hiểu thêm về đất nước, văn hóa, con người của nhau, cũng như tăng cường hợp tác du lịch, trải nghiệm lẫn nhau.
Trong thời gian qua, Đại sứ quán đã rất nỗ lực và chủ động trong các hoạt động nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế, trong đó tập trung vào các hoạt động quảng bá thị trường cho doanh nghiệp của cả hai nước, đặc biệt trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nhau.
Đại sứ quán cũng tích cực tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ, từ Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường hiểu biết, tạo dựng sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Đại sứ nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại vẫn sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của Đại sứ quán. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ quán sẽ nỗ lực thúc đẩy những liên kết đã có, đồng thời cố gắng tạo dựng những mô hình hợp tác mới giữa các doanh nghiệp hai nước, trong đó, hợp tác du lịch sẽ là một trong những hướng đi mới trong những năm tới./.
Thùy Dung