Một số sản phẩm, dịch vụ mới sẽ được đưa vào diện báo cáo, theo dõi trong Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi. Ảnh minh họa |
Đưa tiền ảo, tài sản ảo vào diện báo cáo, theo dõi
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đối với tài liệu thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự kiến, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức cuộc họp thẩm định dự án Luật này vào ngày 19/7.
Theo NHNN, cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 tại kỳ họp thứ 3. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, toàn diện quy định về phòng chống rửa tiền (PCRT), phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Qua hơn 8 năm thi hành đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo đó, khung pháp lý, cơ chế, chính sách về PCRT đã không ngừng được hoàn thiện. Cơ cấu tổ chức bộ máy đã hình thành và dần hoàn thiện. Ban Chỉ đạo quốc gia về PCRT do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Các biện pháp phòng ngừa được triển khai nghiêm túc...
Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai thi hành Luật PCRT đã nổi lên một số bất cập, hạn chế trong các quy định, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động PCRT.
Đó là, đối tượng áp dụng Luật PCRT, các hoạt động của tổ chức tài chính, tổ chức và cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan hiện chưa bao quát đầy đủ do thời điểm ban hành luật; một số loại hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ chưa xuất hiện (như cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo…), trong khi các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền và nhiều vấn đề pháp lý mới phát sinh khác theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng hiện nay…
Do đó, yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật PCRT sẽ góp phần khắc phục những thiếu hụt về mặt pháp lý trong cơ chế xử lý PCRT ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác PCRT và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, tránh việc bị đưa vào danh sách theo dõi của Nhóm rà soát hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.
Đưa cá nhân có ảnh hưởng chính trị vào Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi
Để đạt mục tiêu trên, Luật PCRT sửa đổi lần này thiết kế các quy định theo hướng mở rộng các loại hình đối tượng báo cáo trong công tác PCRT.
Trong đó, quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị đang được Luật PCRT điều chỉnh chỉ quy định với người nước ngoài. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu về rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF), các quốc gia không được phân biệt cá nhân có ảnh hưởng chính trị là người nước ngoài hay trong nước và phải thực hiện các biện pháp PCRT cho các cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước và ngoài nước như nhau.
Quy định về các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ mới chỉ đưa ra các dấu hiệu cảnh báo chung, lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh doanh bất động sản chưa có hướng dẫn cụ thể.
Quy định về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới còn chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về kim loại quý, đá quý; cách thức tính toán, xác định ngưỡng phải báo cáo; cách thức báo cáo; cách xử lý thông tin, dữ liệu được báo cáo.
Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia tài chính tiền tệ cho rằng dự thảo đưa kinh doanh vàng bạc (trừ vàng miếng do NHNN quản lý), đá quý, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo và các sản phẩm, dịch vụ mới như dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng… vào nhóm đối tượng báo cáo, theo dõi các giao dịch đáng ngờ là hết sức cần thiết. Vì hiện vẫn chưa có quy định về cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động PCRT đối với đối tượng kinh doanh các loại kim loại quý, đá quý khác…
Góp phần quan trọng vào phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng
Cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ban hành các quy định mới về PCRT được các chuyên gia đồng tình bởi các quy định mới tuân theo tinh thần của Chỉ thị 05-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Để nâng cao hiệu quả công tác PCRT, việc hoàn thiện pháp luật sát với thực tiễn đất nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là một trong các giải pháp được đặt ra cấp thiết hiện nay. Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về PCRT là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về rửa tiền.
Theo báo cáo đánh giá về rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm “tội phạm nguồn” của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”. Do vậy, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội). Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Báo cáo góp ý của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi của NHNN lưu ý việc mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác PCRT, đối tượng tác động của chính sách này là những tổ chức kinh doanh được bổ sung vào phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác PCRT. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động đối với từng giải pháp đề xuất chưa nêu được đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật trên cơ sở phân tích tác động của chính sách đối với những quy định hiện hành, dự báo khả năng về thi hành và tuân thủ của các cơ quan, tổ chức này.
Bộ Tư pháp cũng khuyến nghị việc mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác rửa tiền, cơ quan lập đề nghị đưa ra 2 giải pháp thực hiện chính sách gồm: Bổ sung một số đối tượng báo cáo như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ… và bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn trong trường hợp phát sinh thêm các đối tượng báo cáo khác… cần được quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo minh bạch.
Lê Sơn