In bài viết

Mở rộng thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung

(Chinhphu.vn) - Kho bạc Nhà nước vừa quyết định triển khai thí điểm mở rộng Thanh toán điện tử với Ngân hàng theo mô hình tập trung tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng và Đà Nẵng.

22/07/2022 17:44
Mở rộng thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung - Ảnh 1.

Công chức KBNN thực hiện kiểm soát các khoản thanh toán vốn trên DVCTT của KBNN

Quyết định này được đưa ra sau khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện thí điểm thành công việc thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung và quy trình liên thông giữa các ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) – Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) – Thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) tại Cục Kế toán Nhà nước, Sở Giao dịch tại KBNN, KBNN Lý Nhân – Hà Nam.

Đáp ứng tốt yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa của KBNN

Theo KBNN, việc liên thông TTLNH tập trung là cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa của KBNN.

Theo đó, phạm vi nghiệp vụ của các chứng từ liên thông theo kênh TTLNH cũng tương tự như phạm vi liên thông của chứng từ đi theo kênh thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) đang được vận hành trên toàn quốc hiện nay.

Quy trình liên thông là sự tích hợp, liên thông giữa các quy trình nghiệp vụ với chương trình DVCTT nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa KBNN, cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động của hệ thống KBNN, với mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng, thuận tiện cho người sử dụng, các đơn vị giao dịch và KBNN.

Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên dịch vụ công để đi thanh toán với ngân hàng thương mại, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin để chuyển chứng từ đi kênh thanh toán liên ngân hàng, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình DVCTT, chứng từ được tự động giao diện sang Tabmis, TTLNH và tự động chuyển sang ngân hàng thương mại mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.

Theo KBNN, bên cạnh đặc điểm liên thông các chứng từ DVCTT đi thanh toán qua kênh TTLNH, hệ thống có nhiều điểm mới về quy trình, ứng dụng. Đó là việc tích hợp cả 2 kênh TTSPĐT và TTLNH vào một hệ thống ứng dụng tập trung (gọi là ứng dụng thanh toán điện tử- ngân hàng, được KBNN xây dựng, phát triển trên nền tảng ứng dụng TTSPĐT đang vận hành); không còn ứng dụng dịch vụ chuyển tiền thông thường và chương trình giao diện liên ngân hàng trước đây tại KBNN tỉnh.

Hiệu quả từ địa phương thí điểm

Báo cáo từ các đơn vị thực hiện thí điểm cho thấy, đến nay, việc vận hành hệ thống ứng dụng mới đã đi vào ổn định, các yêu cầu về quy trình liên thông cũng như kết quả đối chiếu, quyết toán… cho cả 2 kênh TTLNH và TTSPĐT trên ứng dụng thanh toán điện tử-ngân hàng nhìn chung đã được thực hiện đúng theo bài toán nghiệp vụ; đảm bảo an toàn tiền, tài sản. Các lỗi đã giảm đáng kể cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Quy trình liên thông DVCTT – Tabmis - TTLNH bước đầu được thí điểm thành công đã giảm được nhiều lao động làm việc thủ công và thời gian xử lý quy trình của cán bộ nghiệp vụ, nhất là tại cơ quan KBNN tỉnh với lượng chứng từ lớn và hầu hết lại thanh toán theo phương thức liên ngân hàng. Nếu như trước đây, sau khi KBNN kiểm soát chi, việc xử lý một chứng từ giao dịch của khách hàng trong các hệ thống ứng dụng nội bộ của KBNN mất từ 5 đến 7 phút, thì nay việc xử lý được tự động, liên thông theo quy trình thí điểm chỉ mất thời gian vài giây.

Mặt khác, quy trình liên thông tự động đã giảm thiểu các thao tác xử lý thủ công của cán bộ nghiệp vụ, hạn chế tối đa các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Tại các huyện, ngoài các lợi ích nêu trên, việc thêm phương thức thanh toán mới cũng đã giúp KBNN huyện có nhiều lựa chọn và thuận tiện hơn trong giao dịch thanh toán với ngân hàng. Các kết quả này cũng đã góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của KBNN đối với các đơn vị giao dịch và hiệu quả công tác thu chi quỹ ngân sách nhà nước qua KBNN.

Đặc biệt, khi được triển khai diện rộng quy trình này trên phạm vi toàn hệ thống KBNN, với hơn 700 đơn vị KBNN và hàng chục nghìn chứng từ giao dịch thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách chuyển tiền đi ngân hàng mỗi ngày, lợi ích trên sẽ được nhân lên gấp nhiều lần đối với cả KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

VH