In bài viết

Mở tư duy để bắt nhịp ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp

(Chinhphu.vn) - Khi nói về phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp phải chuyển từ thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn sang nền nông nghiệp thâm dụng tri thức, thâm dụng về công nghệ.

31/10/2023 09:24
Mở tư duy để bắt nhịp ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp - Ảnh 1.

Ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ câu chuyện đi tìm giải pháp phát triển bền vững cho các nông hộ

Khi biến đổi khí hậu khiến việc canh tác trở nên khó khăn và khó kiểm soát hơn, hàng triệu nông hộ nhỏ ở châu Á cần phải áp dụng các công nghệ và các cải tiến mới nhằm khắc phục sâu hại và bệnh dịch trên cây trồng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong khu vực.

Tiến sĩ Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành của tổ chức CropLife khu vực châu Á cho rằng: Từ xa xưa, lực lượng nông dân sản xuất nhỏ đã là mấu chốt giúp giải quyết vấn đề về an ninh lương thực. Tuy nhiên để họ có thể ứng phó lại những thách thức không ngừng biến đổi trong việc cung cấp đủ lương thực cho dân số đang ngày một tăng cao tại khu vực châu Á thì họ cần được trang bị những công cụ mới và sáng tạo hơn. Là điểm nóng phát triển công nghệ của thế giới, châu Á có thể dẫn đầu trong việc trang bị cho các nhà sản xuất thực phẩm để ứng phó lại những thách thức to lớn này.

Tiến sĩ Siang Hee Tan cho biết, để hỗ trợ cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ, trong giai đoạn 2015 – 2017, tổ chức CropLife Châu Á và Cơ quan Phát triển Đức GIZ đã hợp tác với Bộ NN&PTNT tổ chức tập huấn cho 3.000 hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long về việc áp dụng nguyên tắc Quản lý dịch hại Tổng hợp (IPM) trong đó có sử dụng đúng các sản phẩm bảo vệ thực vật (BVTV) và các phương thức can thiệp khi sâu bệnh đe dọa mùa màng của người dân. 

Tiếp nối thành công đó, bắt đầu từ năm 2021, CropLife Việt Nam đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Sở NNN&PTNT Đồng Tháp triển khai chương trình hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc có trách nhiệm trong vòng 5 năm với mục tiêu thay đổi thói quen và hành vi sử dụng thuốc BVTV một cách hiệu quả và bền vững hơn. Chỉ riêng năm đầu, chương trình đã tiếp cận và tập huấn trực tiếp được cho hơn 1.000 hộ nông dân và 500 đại lý.

Cũng trong nỗ lực đưa các giải pháp phát triển bền vững đến từng nông hộ, ngày 11/7 vừa qua Hiệp hội CropLife Châu Á và Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) đã ký kết Bản Ghi nhớ Hợp tác triển khai chương trình Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững giai đoạn 2023 – 2028.

Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững (Sustainable Pesticide Management Framework – SPMF) là một chương trình với quy mô tác động tổng thể, toàn diện và dài hạn nhằm tạo điều kiện để chuyển đổi sang các hệ thống thực phẩm bền vững. Theo Bản Ghi nhớ, CropLife sẽ tối đa hóa nỗ lực của ngành, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp BVTV bền vững song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp.

Một trong những trọng tâm được nêu bật trong chương trình hợp tác này đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng những giải pháp và công cụ tiên tiến trong quản lý và sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật.  

Ý nghĩa của đổi mới sáng tạo theo quan điểm của CropLife không chỉ tập trung vào đổi mới sản phẩm cụ thể như hoạt chất thế hệ mới, thuốc BVTV sinh học. Quan trọng hơn đó là sự đổi mới về mặt tư duy và cách cận tiếp cận trong quản lý nhằm mở rộng và cải tiến bộ công cụ và phương pháp thực hành nông nghiệp thông minh cho nông dân như ứng dụng thiết bị bay không người lái trên đồng ruộng, áp dụng công cụ kỹ thuật số trong quản lý và theo dõi đồng ruộng hay những nền tảng phi nông nghiệp... Tất cả đều sẽ được cụ thể hoá trong các hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình SPMF.

Những sáng kiến trên đây là một phần trong nỗ lực của ngành công nghiệp toàn cầu, thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nhằm trang bị cho nông dân những phương thức sáng tạo và tiên tiến để thu hoạch được nhiều hơn với lượng nguyên liệu đầu vào ít hơn.

Ông Duke Hipp, Giám đốc Đối Ngoại và Hợp tác Chiến lược, CropLife Châu Á cho biết: FAO ước tính rằng, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ thâm hụt gấp đôi nếu nông dân không sử dụng thuốc BVTV. Các đổi mới về BVTV và cây trồng công nghệ sinh học giúp giảm bớt phát thải khí nhà kính.

"Những đổi mới về giống cây trồng, như khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ và cải thiện khả năng kiểm soát cỏ dại đã giúp cô lập hơn 300 triệu tấn CO2 trong 25 năm qua. Con số này tương đương với lượng khí thải hàng năm của bang California. Trong khi đó, với công nghệ chỉnh sửa gen, các nhà lai tạo giống cây trồng có thể phát triển ra những giống có khả năng thu giữ carbon, kháng sâu bệnh và mầm bệnh tốt hơn; thậm chí đẩy nhanh quá trình thuần hóa các loài cây trồng mới", ông Duke Hipp cho biết.

Mở tư duy để bắt nhịp ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp tìm kiếm những công nghệ để ứng dụng được với mọi cấp độ và hình thức sản xuất - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cần những công nghệ 'phủ' được mọi quy mô sản xuất

CropLife là một trong nhiều tổ chức quốc tế đang có những hợp tác hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Những hợp tác quốc tế này là một trong những cách thức hiệu quả để ngành nông nghiệp Việt tiệm cận được với khoa học, công nghệ của thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, việc tìm kiếm các ứng dụng công nghệ thông qua các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm mọi giải pháp công nghệ có thể ứng dụng với các quy mô sản xuất khác nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Chúng ta phải phân ra nhiều tầng công nghệ: Những công nghệ cao thích ứng với những doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô sản xuất lớn; những công nghệ trung bình có thể dành cho những đối tượng là những hợp tác xã, những nông trại; có những công nghệ lại vừa đủ cho những nông hộ… Chúng ta cần tìm kiếm những công nghệ có thể phủ được tất cả các tầng của nền kinh tế nông nghiệp, không đặc thù cho một nhóm đối tượng nào".

Với quan điểm đó, Bộ NN&PTNT đang chắt chiu từng cơ hội tiếp cận công nghệ để có thể tìm ra những công nghệ, sản phẩm có tính ứng dụng cao và phù hợp cho các đối tượng sản xuất. Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận: "Công nghệ phải phục vụ cho tăng năng suất, kháng dịch bệnh tốt hơn. Công nghệ đó phải có tính tuần hoàn để tạo ra được nhiều giá trị".

Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hiện nay với mục tiêu là chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp. 

"Đây là những yêu cầu để nông nghiệp có thể đi theo hướng tăng trưởng xanh, nâng dần chất lượng nông sản để phục vụ cho người tiêu dùng, vì sức khỏe của người dân, vì tài nguyên thiên nhiên, môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tiếp cận công nghệ mới, quan điểm mới là điều không dễ dàng với một nền sản xuất mang tính thủ công cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngành nông nghiệp đang quán triệt trong toàn ngành phải "mở" tư duy.

"Ngày hôm qua có những quy chuẩn, tiêu chuẩn danh mục mà chúng ta có thể không cho phép nhưng nó chỉ đúng với ngày hôm qua. Với xu thế thay đổi từng ngày của thế giới cũng cần thay đổi cách tiếp cận với các sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm đầu vào của ngành nông nghiệp như phân, thuốc, giống. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới cũng qua một quá trình nghiên cứu theo các tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta cũng phải tận dụng cơ hội từ những thành tựu của các quốc gia đi trước.

Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phải làm sao để đảm bảo không có rủi ro cho bà con nông dân nhưng nếu chúng ta khép kín, chỉ giữ lại những gì mà chúng ta nghĩ rằng đó là giới hạn cuối cùng thì sẽ bỏ lỡ cơ hội ứng dụng các thành tựu khoa học. Các nhà khoa học, nhà nông học càng ngày càng nghiên cứu ra nhiều dòng sản phẩm đáp ứng được năng suất sản lượng và được đánh giá loại trừ những rủi ro tác động về sức khỏe con người, môi trường, đa dạng sinh học. Nhiệm vụ chúng ta là khảo nghiệm các kênh để đón chào những điều mới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Chia sẻ suy nghĩ về việc hợp tác quốc tế để tiếp cận những công nghệ mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Nhiều ý kiến nói về việc cần thận trọng đưa các ứng dụng mới vào sản xuất. Tôi cũng cảm nhận là các tổ chức quốc tế cũng đang phân vân về phản ứng của người Việt Nam trước những cái mới. Tất nhiên cái mới bao giờ cũng phải đòi hỏi một thời gian để chúng ta đánh giá nhưng nếu thời gian dài quá thì sẽ mất cơ hội. Không phải mất cơ hội cho các đối tác của chúng ta, mà mất cơ hội cho ngành nông nghiệp, cho bà con nông dân mình".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: "Nắm bắt thời cơ ứng dụng công nghệ không phải chúng ta nghĩ cho đối tác mà là nghĩ cho bà con nông dân của mình. Tư duy như vậy thì chúng ta sẽ có hành động nhanh hơn, đó cũng chính là chúng ta tạo niềm tin cho đối tác".

Đỗ Hương