In bài viết

Mốc thời gian quan trọng của kỳ thi đánh giá tư duy ĐH Bách khoa HN

(Chinhphu.vn) - ĐH Bách khoa Hà Nội vừa cho biết, Cổng đăng ký cho kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được mở từ ngày 30/3 đến ngày 30/4.

22/02/2023 17:48
Thông tin mốc thời gian quan trọng của Kỳ thi đánh giá Tư duy ĐHBKHN - Ảnh 1.

Năm nay, kỳ thi có nhiều điểm thuận lợi cho quá trình làm bài thi của học sinh - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày thi thử sẽ diễn ra vào ngày 9/4 trên nền tảng số để các thí sinh được làm quen với dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi và các thao tác kỹ thuật. 

Kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến được tổ chức vào 3 đợt, trong các ngày 10/6, 17/6 và 8/7, tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác xét tuyển.

Bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ

Năm nay, kỳ thi có nhiều điểm thuận lợi cho quá trình làm bài thi của học sinh. Bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ (thời lượng 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính.

Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Hội đồng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố mức độ đánh giá tư duy, dạng câu hỏi và các ví dụ minh họa của bài thi đánh giá tư duy năm 2023 để xét tuyển vào đại học.

Theo đó, bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần thi: Tư duy toán học, Tư duy đọc hiểu và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề, với 3 mức độ đánh giá tư duy (Tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).

Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.

Các ví dụ minh họa được công bố với mục đích giúp thí sinh làm quen với cấu trúc và kiểu câu hỏi của bài thi, định hướng ôn tập và tạo sự tự tin cho thí sinh dự thi.

Bài thi đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học. Đánh giá tư duy được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những kỳ thi tuyển sinh chung của cộng đồng đại học tại Việt Nam trong tương lai.

3 mức độ đánh giá tư duy

Có 3 mức độ đánh giá tư duy trong bài thi, gồm:

Mức độ 1-Tư duy tái hiện: Thể hiện khả năng nhớ lại kiến thức, thực hiện tư duy theo những quy trình đã biết. Các hành động tư duy cần đánh giá: Xác định, tìm kiếm, lựa chọn, nhắc lại, đặt tên, ghép nối...

Mức độ 2-Tư duy suy luận: Thể hiện khả năng lập luận có căn cứ, thực hiện tư duy phân tích, tổng hợp dựa theo vận dụng quy trình thích ứng với điều kiện. Các hành động tư duy cần đánh giá: phân loại, so sánh, chỉ được minh chứng, tổng hợp, vận dụng, đưa ra lý lẽ, suy luận, giải thích, áp dụng, tóm tắt…

Mức độ 3-Tư duy bậc cao: Thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, giải thích dựa trên bằng chứng. Các hành động tư duy cần đánh giá: phân tích, đánh giá, phân biệt, phán đoán, lập luận (nhiều bước), kiểm tra giả thuyết…

Trong bài thi đánh giá tư duy, ba năng lực tư duy đã được xác định gồm: Tư duy toán học; tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề.

Phần đánh giá Tư duy toán học: Nội dung gồm kiến thức về các lĩnh vực số học, đại số, hàm số, hình học, thống kê và xác suất. Phần đánh giá này nhấn mạnh tới tư duy định lượng và áp dụng phần tính toán hoặc ghi nhớ các công thức phức tạp.

Phần đánh giá Tư duy đọc hiểu: Đánh giá khả năng đọc nhanh và hiểu đúng.

Phần đánh giá Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề: Đánh giá khả năng tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm...

Nhật Nam