Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc tối 23/11. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ LĐTB&XH và TPHCM trong việc tạo ra một sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, nhiều hứa hẹn cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong tương lai gần đây. TPHCM luôn là nơi tạo cảm hứng, môi trường để kinh doanh, sáng tạo.
Chia sẻ với các học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết mặc dù thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn còn nghèo, nhiều nơi còn rất nghèo. Nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thì liên tục trong 20 năm tới đây chúng ta phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 7,5 %/năm.
“Ai sẽ làm cho đất nước giàu mạnh hơn nếu không phải là người Việt Nam”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và mong muốn mỗi học sinh, sinh viên hãy là người trong cuộc, không đứng ngoài quan sát.
Thế hệ trẻ học sinh, sinh viên phải đi đầu, dựa trên khát khao, tìm tòi hiểu biết và sự dũng cảm để làm những việc chưa có nhiều người làm. Những thành công lớn nhất thường đến từ những ý tưởng khác biệt và ít được ủng hộ lúc ban đầu.
Ít có dự án khởi nghiệp thành công ngay từ lúc đầu, vì vậy, mỗi người phải biết chấp nhận thất bại, kiên trì theo đuổi. Các bạn trẻ hãy nắm tay nhau kết thành vòng tay lớn, thành các mạng lưới, kết nối với nhau, với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Người đi trước giúp người đi sau, cùng chia sẻ ý tưởng, rèn luyện kỹ năng mềm hay làm tốt nhất công việc của mình đang có.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một gian trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không phải ai cũng có ý tưởng khởi nghiệp nên mỗi học sinh, sinh viên cần làm tốt việc đầu tiên là học tốt, nắm vững chuyên môn, kỹ năng mềm. Bên cạnh đó các bạn trẻ cần tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, qua đó có thể tìm ra những ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam chỉ có thể giàu mạnh nếu mỗi người Việt Nam đều quyết tâm, có tinh thần yêu nước và đoàn kết để cùng xây dựng đất nước.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đã và đang diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng đa dạng và phong phú với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thông qua các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, TPHCM đã xây dựng môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng và hiệu quả với 440 ngàn doanh nghiệp (chiếm 32% doanh nghiệp cả nước), đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển của Thành phố.
Xác định khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra thành công cho sự phát triển của TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, khởi nghiệp là “mồi lửa” để châm ngòi sức sáng tạo và việc làm cho “ngọn lửa” khởi nghiệp rực cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội; đưa hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trở thành xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng và đại học ở TPHCM đã lồng ghép chương trình đào tạo với kiến thức về khởi sự doanh nghiệp. Thành phố cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về công tác khởi nghiệp, các ngày hội việc làm; các chương trình tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận thực tế. Đồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm hơn 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 và dự kiến đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
"Để thực hiện tốt hơn nữa việc hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, TPHCM sẽ nỗ lực hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó trọng tâm là thúc đẩy khởi nghiệp gắn với đề án đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố, để học sinh, sinh viên định hình hướng đi phù hợp. Đặc biệt, trong công tác đào tạo khởi nghiệp, TPHCM sẽ tập trung xử lý các khó khăn, thách thức khi khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, các rủi ro khi mới khởi nghiệp và học tập kinh nghiệm từ những lần thất bại", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, trên 2 triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã góp phần phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, giải quyết việc làm, ổn định kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ xác định khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để tạo việc làm ổn định, bền vững và có những bước đột phá cho nền kinh tế đất nước...
Trong khuôn khổ Ngày hội có các hoạt động như triển lãm các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước, chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 (Startup Kite), hội thảo “Kết nối nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp thời kỳ 4.0”.Đình Nam