In bài viết

Mỗi làng một sản phẩm: Nhà nước hỗ trợ cho sáng tạo cộng đồng

(Chinhphu.vn) - Được khởi xướng năm 1979 tại làng Oita Nhật Bản, mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã được áp dụng rộng rãi, thành công tại nhiều quốc gia châu Á và châu Phi, trong đó có Việt Nam.

21/12/2010 16:58

Sản phẩm thủ công truyền thống của Thái Lan tham dự Triển lãm quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ VII tại Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn

Với ý tưởng làm sống lại các ngành nghề thủ công truyền thống, sau 5 năm phát động, cả nước Nhật đã có 20 quận hưởng ứng với các dự án tương tự như "Sản phẩm của làng", "Chương trình phát triển thành phố quê hương", "Chương trình làm sống lại địa phương"...

Mô hình này còn hấp dẫn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và đã xuất hiện ở Thượng Hải (Trung Quốc), Đông Java (Indonesia), Los Angeles, Lousiana (Mỹ), Koh Dach (Campuchia), Malaysia, Malawi, Uganda…

Sáng tạo cộng đồng - động lực của OVOP

Tại Thái Lan, thông qua OVOP, Chính phủ đã xây dựng dự án cấp quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OTOP) với mục đích khuyến khích mỗi cộng đồng sử dụng trí tuệ địa phương để phát triển sản phẩm, với sự hỗ trợ từ phía các cơ quan khác nhau cả công lẫn tư, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, độc đáo, bán được trên tất cả các quốc gia và trên thế giới…

Sản phẩm của dự án OTOP được sàng lọc, phân loại dựa theo 4 tiêu chí: có thể xuất khẩu với giá trị thương hiệu; sản xuất liên tục và nhất quán; tiêu chuẩn hóa và đặc biệt, mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện riêng.

Vì vậy, khi khách du lịch và người tiêu dùng đến thăm quan cộng đồng OTOP, ngoài các sản phẩm được bày bán trên kệ thì học có thể nhận thấy bối cảnh lịch sử của mỗi sản phẩm có thể là vị trí sản xuất, quá trình sản xuất, câu chuyện về sản phẩm đó, lối sống của cộng đồng và sự hấp dẫn đối với du khách đều có trong các sản phẩm có giá trị gia tăng này thay vì chỉ thấy mức giá trên sản phẩm.

Còn tại Trung Quốc, OVOP đã dành được nhiều sự quan tâm trên khắp đất nước và đã góp phần tích cực trong việc cải thiện mức sống của người nông dân và quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Hiện nay, có hơn 50 ngàn làng nghề đã ứng dụng mô hình OVOP, hơn 20 triệu gia đình ở nông thôn tham gia vào phong trào này.

Đối với Trung Quốc, sáng tạo chính là động lực cho phát triển OVOP một cách chiến lược. Nhiều câu chuyện thành công đều do sự đổi mới từ việc tìm thấy sản phẩm tiềm năng, tạo hương hiệu mới, củng cố chất lượng của thị trường hội nhập với hoạt động sản xuất. Như vậy, mỗi sản phẩm xuất hiện có thể coi như  một ngành công nghiệp mới ra đời.

Một điều nhận thấy là các Hiệp hội nghề và bán hàng của ngành nông nghiệp có thể làm rất tốt vai trò của mình khi phát triển OVOP. Ví dụ, tại huyện Tây Cát, tỉnh Ninh Hạ), Hiệp hội bán Khoai tây, Hiệp hội cung cấp thông tin thị trường thay mặt người nông dân đàm phán, đảm nhận luôn việc đóng gói và bán hàng. Kinh nghiệm thành công này đã minh chứng cho việc các tổ chức chuyên môn hóa là không thể thiếu cho người nông dân tại các khu dự án OVOP.

Đối với Malaysia, “Du lịch tại nhà” (Homestay) lại là một trong những sản phẩm du lịch xuất phát từ OVOP. Ở Malaysia có 142 huyện thì 80 huyện đã tham gia vào chương trình Homestay. Khách du lịch sẽ được cung cấp những kinh nghiệm sống và văn hóa bản địa riêng biệt, tạo ra một gói dịch vụ lưu trú cho khách du lịch với giá cạnh tranh.

Nhiều ưu tiên cụ thể cho làng nghề Việt Nam

Sản phẩm thủ công truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Việt Nam, hiện có hơn 2.000 làng nghề, trong đó, làng nghề có quy mô nhỏ chiếm trên 60% và làng nghề quy mô vừa khoảng 36%, số làng nghề có quy mô lớn chiếm không quá 4%.

Theo thống kê, giá trị xuất khẩu của sản phẩm làng nghề vào năm 2000 đạt trên 273 triệu USD, năm 2008 tăng lên hơn 850 triệu USD, năm 2009 đạt 900 triệu USD với thị trường gồm 100 nước trên thế giới.

Bên cạnh những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân tộc, làm nên sự độc đáo của Việt Nam như: gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu; tranh Đông hồ, Trống; chiếu cói Nga Sơn; lụa Hà Đông, Tân Châu; chạm đồng Đồng Xâm, Đại Bái; đúc đồng Ngũ Xã; nón Huế; mây tre đan Chương Mỹ - Hà Nội…, Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm mới nổi tiếng như tranh thêu XQ – Đà Lạt, thảm từ bèo lục bình, hoa giấy, thổ cẩm…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, làng nghề Việt Nam hiện có ba vấn đề nóng cần giải quyết là quy hoạch, đào tạo và nguồn vốn.

Trong suốt thời gian qua, Chính phủ luôn chú trọng và có rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển làng nghề về đất đai, phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng cho làng nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…

Tại buổi tiếp Giáo sư Morihiko Hiramitsu – người đã khởi xướng phong trào OVOP – vào tháng 9/2009, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam, phong trào OVOP theo mô hình của Nhật Bản cũng được triển khai thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai tốt mô hình OVOP  sẽ không chỉ giữ gìn dưới góc độ vật thể mà còn là việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần kết hợp với du lịch xanh, bảo vệ môi trường.

Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã xây dựng đề án về “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 – 2015”, gắn với triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

Trong đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề có nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia. Mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm; mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 20-22%/năm.

Kiều Liên