In bài viết

Mọi người dân đều đang dõi theo

(Chinhphu.vn) - Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ xung quanh công cuộc chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện.

25/06/2018 13:20
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: VGP/Nhật Nam

“Tôi nghĩ chống tham nhũng là một công việc có tính chất xã hội, có tính chất chính trị và có chất lượng đạo đức. Xét trên cả ba khía cạnh này đều thấy đây là công việc rất khó. Việc này đòi hỏi những người chủ trì vừa phải ngay thẳng nhưng cũng vừa phải khôn ngoan, phải hiểu rõ về những kẻ tham nhũng và các tập đoàn lợi ích được sử dụng như công cụ để tham nhũng”, ông Nguyễn Trần Bạt đưa ra ý kiến của mình.  

Theo ông Bạt, trong con mắt quan sát của nhân dân, không có sự kiện chính trị nào, chương trình kinh tế nào, chương trình xây dựng Nhà nước nào thu hút sự quan tâm hơn sự nghiệp chống tham nhũng. Hiện nay, gần như 100% người dân Việt Nam, không phải chỉ trong mà cả ngoài nước đều dõi theo công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành. "Tôi đã được nghe nhiều lão đồng chí 80-90 tuổi nói về việc này rất tâm huyết. Rõ ràng, nhân dân đang rất quan tâm theo dõi sự nghiệp chống tham nhũng".

Nhiều năm trước, chống tham nhũng chủ yếu là phanh phui những vấn đề của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng thời gian gần đây, chống tham nhũng bắt đầu có nhiều dấu hiệu liên quan tới cả khu vực tư nhân có sự cấu kết của các nhóm lợi ích. Trong những kỳ họp Quốc hội vừa qua đã xuất hiện những thảo luận về chống tham nhũng trong khu vực tư nhân như thế nào. Tham nhũng đã trở thành đối tượng quan sát của xã hội, của người dân không chỉ trong khu vực kinh tế Nhà nước mà cả khu vực kinh tế tư nhân. Nói cách khác, khu vực tư nhân đã bắt đầu trở thành vấn đề nổi cộm thật sự của nội dung chống tham nhũng.

“Các tập đoàn tư nhân đã bắt đầu trở thành đối tượng của xã hội, do đó nhân dân đang tiếp tục quan sát kỹ thái độ của các cơ quan chống tham nhũng đối với khu vực này. Cho nên tôi nghĩ các nhà lãnh đạo có trách nhiệm sẽ phải thận trọng về mặt này. Quần chúng tập hợp, quan sát xung quanh khu vực tư đông hơn và sắc sảo hơn khu vực công trước đây, người ta biết rõ tiền về đâu, các dự án trôi về đâu. Thái độ của Đảng ta đối với chuyện này sẽ có tác động một cách trực tiếp đến uy tín của Đảng, không phải chỉ là giải quyết vấn đề tái cấu trúc các tập đoàn Nhà nước như giai đoạn trước đây. Chống tham nhũng trong khu vực tư nhân khó hơn nhiều so với ở khu vực Nhà nước”, ông Bạt nhận xét.

Lương thiện luôn là yếu tố cơ bản

Ông Nguyễn Trần Bạt khẳng định lòng tin về tương lai tốt đẹp phụ thuộc một cách chủ yếu vào yếu tố đạo đức. Phải làm sao cho nhân dân nhìn Đảng, Nhà nước như một tổ chức trong sạch, có uy tín. Và cốt lõi là vấn đề cán bộ. Đó là vấn đề có ảnh hưởng, chiếm một vị trí quan trọng trong sự chú ý chính trị của xã hội đối với công cuộc chống tham nhũng.

Theo ông Bạt, công tác cán bộ không phải là một khái niệm chung chung mà có những tiêu chuẩn và nguyên tắc của nó, trong đó quan trọng nhất là lựa chọn những người biết giữ gìn và tôn trọng các cam kết của mình đối với cuộc sống. “Chính vì thế mà người ta mới đưa ra quy định đòi hỏi các thành viên nội các phải tuyên thệ. Tuyên thệ chính là thiêng liêng hóa các cam kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng, Nhà nước của chúng ta, mở đầu cuộc đời chính trị của mình với tư cách là chủ tịch một nước cũng đã thề trung thành với nền độc lập dân tộc”.

“Đạo đức quan trọng nhất của một Đảng chính trị, một Nhà nước chính là làm cho nhân dân tin rằng mình là một đối tượng lương thiện. Sự lương thiện như là yếu tố cơ bản của đời sống chính trị”.

Không làm xao nhãng quyết tâm chống tham nhũng

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nhận xét là hiện nay không có việc gì thu hút sự quan tâm của nhân dân và đông đảo đảng viên hơn cuộc đấu tranh chống tham nhũng và không nên làm bất kỳ điều gì để xao nhãng quyết tâm chống tham nhũng, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

"Lâu rồi chưa có dịp nào mà nhân dân vỗ tay hào hứng đối với các quyết định của Đảng, của Chính phủ như trong khoảng thời gian hơn 2-3 năm đấu tranh chống tham nhũng vừa qua. Tôi nghĩ không có lợi ích nào của Đảng ta, của Nhà nước chúng ta quan trọng hơn sự yêu mến mà nhân dân dành cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Không chống tham nhũng thì không thể nào phát triển, không thể nào xây dựng đất nước”, ông Bạt nói.

Và cuối cùng, theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, chống tham nhũng phải là xây dựng các cơ chế để kiểm soát tham nhũng không thể xảy ra trong tương lai, chứ không chỉ chống tham nhũng đã xảy ra trong thời điểm hiện nay.

Phương Liên (thực hiện)