Đối thoại thu hút hơn 500 đại biểu là các quan chức quốc phòng, an ninh và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng tới dự.
Theo Giám đốc điều hành châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), ông Tim Huxley, Đối thoại Shangri-La lần này có 5 phiên thảo luận chính thức, bao gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay như các chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột; tăng cường an ninh hàng hải; các quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin…
Đáng chú ý, tại Đối thoại lần này, bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó phác thảo vai trò của Ấn Độ trong việc định hình trật tự trong bối cảnh thế giới liên tục bất ổn và đưa ra cách tiếp cận hòa bình trong các vấn đề ở Đông Nam Á, được coi là bài diễn văn chủ chốt.
Ông Modi kêu gọi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chấp nhận tự do hàng hải, toàn vẹn lãnh thổ, và tôn trọng tất cả các quốc gia không kể lớn nhỏ. Ở một khía cạnh khác, ông Modi cũng cho rằng “châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhau làm việc trong sự tin cậy và tin tưởng, lưu tâm đối với quyền lợi của nhau”.
Giới quan sát nhận định, việc Thủ tướng Modi phát biểu lần đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La 2018 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách Hướng Đông mà Ấn Độ đang theo đuổi.
Đây cũng là dịp để các đại biểu được nghe quan điểm của Ấn Độ về các vấn đề khu vực, tìm hiểu rõ hơn về vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực đang hình thành, đặc biệt là trong nhóm Bộ Tứ khu vực (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), và trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông đi ngược lại với sự cởi mở trong các cam kết chiến lược của Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến những thành quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể nhưng cũng cạnh tranh mạnh mẽ khi bắt buộc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên của Mỹ và thừa nhận rằng bất cứ một trật tự bền vững nào ở khu vực này đều có vai trò của Trung Quốc.
Phát biểu tại Đối thoại, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định vấn đề an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được đảm bảo thông qua một số nguyên tắc cốt lõi. Đó là việc thiết lập cơ chế an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khuyến khích các nước tránh hành động gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tuyết Minh (tổng hợp)