In bài viết

'Mong lãnh đạo TP. Đà Nẵng đặt mình ở vị trí doanh nghiệp để thấu hiểu'

(Chinhphu.vn) - "Du lịch dần phục hồi nhưng doanh nghiệp làm ra bao nhiêu thì nộp tiền thuê đất bấy nhiêu nhưng cũng không đủ, phải bán tài sản cá nhân, kể cả nhà để chi trả. Chúng tôi mong lãnh đạo Thành phố hãy đặt mình ở vị trí doanh nghiệp để thấu hiểu, chia sẻ", một chủ đầu tư ở Đà Nẵng bày tỏ.

10/10/2023 18:12
'Mong lãnh đạo TP. Đà Nẵng hãy đặt mình ở vị trí doanh nghiệp để thấu hiểu' - Ảnh 1.

Sáng ngày 11/10, Đoàn công tác của UBND thành phố Đà Nẵng sẽ kiểm tra thực tế tại dự án khu du lịch Aryana của Công ty Cổ phần khách sạn và du lịch Thiên Thai - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn liên quan đến đất đai, thuế...

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế một số dự án thuê đất ven biển trên địa bàn thành phố.

Đoàn kiểm tra do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn, ngoài các sở, ngành, địa phương liên quan, còn có Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Sáng ngày 11/10, Đoàn sẽ kiểm tra thực tế tại dự án khu du lịch Aryana của Công ty Cổ phần khách sạn và du lịch Thiên Thai (thuê đất TP. Đà Nẵng khoảng 120 tỷ đồng/năm), dự án Melia Danang Beach Resort của Công ty TNHH Sao Việt Non Nước (thuê đất TP. Đà Nẵng khoảng 27 tỷ đồng/năm).

Dự kiến chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng sẽ gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn liên quan đến đất đại, thuế...

Trước đó, Báo Điện tử Chính phủ có bài phản ánh đơn giá thuê đất tại TP. Đà Nẵng trong những năm gần đây tăng đột biến, có vị trí tăng 600-700% so với chu kỳ trước đó. Không kham nổi tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp du lịch kiệt quệ tài chính, bị cơ quan thuế cưỡng chế phong tỏa tài khoản.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, tiền thuê đất thương mại dịch vụ ven biển tăng vọt là từ khi UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 09 ngày 7/4/2020 quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2024. Đây là thời điểm mà hầu hết các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải đóng cửa phòng, chống dịch và đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. 

Doanh nghiệp cho biết đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng nhưng chưa có một hướng giải quyết cụ thể nào được đưa ra. 

"Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn không có nguồn thu nào nhưng vẫn cố xoay sở vay mượn để duy trì 'sự sống còn'. Doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì nay Cục Thuế thành phố phong tỏa tài khoản và hóa đơn của một số doanh nghiệp chưa thanh toán tiền thuê đất của thành phố. Chúng tôi mong Thành phố thấu hiểu sự khó khăn, sự bế tắc khi đối mặt với nguy cơ phá sản", doanh nghiệp khẩn thiết cầu cứu.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, doanh nghiệp bày tỏ thất vọng khi các kiến nghị về đơn giá thuê đất ven biển chưa được quan tâm đúng mức.

"Đơn kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp có các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng vệt ven biển Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn gửi đến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng từ 2019 (trước kỳ điều chỉnh tăng giá đất 2020-2024).

Sau 4 năm với nhiều lần gửi đơn nhưng đến nay vẫn dừng lại ở các "phiếu chuyển" đến cơ quan chức năng có liên quan xem xét....", ông Nguyễn Mạnh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước cho hay.

Theo ông Trung, hiện có gần 10 doanh nghiệp du lịch biển (thuê đất trả tiền hằng năm) thì đã đóng cửa gần hết, còn 2 đến 3 đơn vị hoạt động nhưng trong tình trạng "thoi thóp".

"Du lịch dần phục hồi nhưng doanh nghiệp làm ra bao nhiêu thì nộp tiền thuê đất bấy nhiêu nhưng cũng không đủ, phải bán tài sản cá nhân, kể cả nhà để chi trả. Chúng tôi mong lãnh đạo Thành phố hãy đặt mình ở vị trí doanh nghiệp để thấu hiểu, chia sẻ", chủ đầu tư nói.

'Mong lãnh đạo TP. Đà Nẵng hãy đặt mình ở vị trí doanh nghiệp để thấu hiểu' - Ảnh 2.

Đơn giá thuê đất ven biển tăng vọt khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng điêu đứng - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Rà soát lại toàn bộ bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỉ lệ điều tiết

Tại một sự kiện mới đây, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, bảng giá đất của Thành phố đã thay đổi qua nhiều chu kỳ, trong đó chu kỳ 2015-2019 có tăng nhưng không phải cao. Tuy nhiên, chu kỳ 2020-2024 giá đất tăng rất cao và bảng giá đất này đã tiệm cận với giá thị trường.

Theo ông Minh, đối với nhiệm kỳ 2021-2026, UBND Thành phố đã báo cáo HĐND Thành phố thông qua giảm tỉ lệ tiền thuê đất từ 3% xuống còn 1%; tỉ lệ đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh so với đất ở từ 90% đã đưa xuống đất thương mại dịch vụ là 70%, đất sản xuất kinh doanh 50%.

Tuy nhiên, năm 2019 là năm phát triển bùng nổ, bảng giá đất được tính sát với giá thị trường nên vào chu kỳ mới 2020-2024, tiền thuê đất tăng cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên rất khó khăn cho doanh nghiệp.

"Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát lại toàn bộ bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỉ lệ điều tiết, tỉ lệ nộp tiền thuê đất, tỉ lệ giữa đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh so với đất ở. Dự kiến, trình HĐND Thành phố thông qua tại Kỳ họp tháng 12 năm nay", ông Hồ Kỳ Minh nói.

Nhật Anh