Các đại biểu cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được ghi nhận tại Hiến pháp và pháp luật hiện hành 10 năm qua nhưng quy định này chưa một lần thực hiện trên thực tế.
Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, pháp luật hiện hành chưa quy định dựa vào tiêu chí nào để đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh. Điều này đồng nghĩa với việc chức danh bị kiến nghị bỏ phiếu cũng không biết được theo quy định nào và vì sao mình bị kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Vì không quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng nên cùng một sự kiện, đại biểu này thấy cần phải đề nghị bỏ phiếu nhưng đại biểu khác lại thấy không cần thiết.
Mặt khác người bị kiến nghị bỏ phiếu sẽ khó “tâm phục, khẩu phục” vì dễ cho rằng người kiến nghị đã dựa trên đánh giá chủ quan.
Về căn cứ để thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm thì cần ít nhất 20% đại biểu Quốc hội (khoảng 100 người) đề nghị. Đây là việc rất khó xảy ra. Pháp luật hiện hành cũng không cho phép đại biểu đứng ra vận động các đại biểu khác làm việc này… Ngoài đề nghị của đại biểu Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12 Luật tổ chức Quốc hội), nhưng cũng chưa quy định dựa trên tiêu chí nào.
Về việc phát hiện người đứng đầu (cơ quan) có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bà Lê Thị Nga cho biết, phương thức và bộ máy giám sát hiện hành của Quốc hội khó có thể kết luận được. Thêm vào đó, căn cứ để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trình Quốc hội, đặc biệt căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ chối không trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cũng không được quy định rõ.
Một vấn đề mang tính nguyên tắc khác nữa là Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, giới thiệu những Đảng viên ưu tú ra ứng cử các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước… “Rõ ràng ý kiến của các tổ chức có thẩm quyền của Đảng đối với vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm là rất quan trọng, nếu không xây dựng những văn bản rõ ràng về quy trình phối hợp giữa Đảng Đoàn Quốc hội với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong vấn đề này thì quy định về bỏ phiếu tín nhiệm khó có thể thực hiện được trên thực tế”, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh. Đây cũng là ý kiến được nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình.
Trong thảo luận, các đại biểu nhất trí về việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội khắc phục những hạn chế bất cập hiện hành, xây dựng Dự thảo Quy chế bỏ phiếu tín nhiệm có tính khả thi cao hơn để đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, tổ chức vào cuối năm nay.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng nêu một số ý kiến như bỏ phiếu định kỳ 1 năm 1 lần hay từ năm thứ 2 trong nhiệm kỳ của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, hoặc có nên có hình thức bỏ phiếu bất thường hay không?...
Nhiều đại biểu đồng tình việc Quốc hội chỉ bỏ phiếu đối với chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên mà thôi.
Thành Chung