In bài viết

“Mong Thủ tướng sớm gặp doanh nghiệp”

(Chinhphu.vn) – Ý kiến chuyên gia kinh tế trước thông tin trong năm 2015, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động đã tăng hơn 22% so với năm 2014, dù số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động còn tăng nhanh hơn.

14/04/2016 07:43
TS Lê Đăng Doanh
Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố sáng 13/4, số doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là hơn 71.000.

Ở chiều ngược lại, trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 601 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.

Cùng với số vốn và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, số lao động ước tính được tạo việc làm trong các doanh nghiệp thành lập mới là 1,4719 triệu người, tăng 34,9% so với năm 2014.

Đồng thời số doanh nghiệp tái hoạt động cũng đạt 21.506, tăng 39,5% so với năm 2014.

Tuy nhiên, con số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn gây lo ngại cho các chuyên gia.

Theo VCCI, việc số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh so với năm 2014 cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tất cả các ngành đều có số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng trong năm 2015.

Ba ngành có số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng cao nhất là nghệ thuật, vui chơi và giải trí; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ ngày càng tăng, điều đó thể hiện tính không bền vững. Để tránh tình trạng doanh nghiệp nay thành lập, mai ngừng hoạt động, giải thể, theo bà cần phải có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình đó do nhiều nguyên nhân yếu tố, trong đó có lãi suất ngân hàng quá cao, chi phí kinh doanh cao, gánh nặng về thuế phí chính thức và chi phí phi chính thức…

“Con số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong Báo cáo cho thấy rủi ro trong môi trường kinh doanh của chúng ta. Bộ máy phải thay đổi, phải năng động hơn và phải sát cánh với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp. Tôi hy vọng vào lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong bài phát biểu đầu tiên là sẽ đẩy mạnh cải cách về thể chế, sẽ gặp doanh nghiệp sớm để có các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Doanh chia sẻ.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 12/4 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ những ưu tư về tình hình phát triển doanh nghiệp. Ông nhắc tới số lượng doanh nghiệp đình chỉ, phá sản được các chuyên gia tư vấn cung cấp tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối tháng 3.

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị để ngay trong tháng 4 này, ông sẽ chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và xã hội.

Thành Đạt