* Theo Kyodo của Nhật Bản, ngày 27/5, phát biểu họp báo tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: "Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân. Quan trọng là các nước hữu quan phải kiềm chế hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế".
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không để căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Yêu cầu trên được Nhật Bản đưa ra sau khi có tin tàu cá Việt Nam bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm trong vùng biển mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa ngày 25/5.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng và những sự thật xung quanh vụ này cần được công khai theo cách đúng đắn, tuân theo luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Onodera trong cùng ngày cũng nhấn mạnh cần một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Hoa Đông nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động của máy bay trên vùng không phận này.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal được báo chí Nhật Bản đăng tải hôm 27/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết muốn đẩy nhanh việc cung cấp các tàu tuần tra biển cho Việt Nam.
Ông Abe cho biết "các hoạt động khoan dầu đơn phương" của Bắc Kinh tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền "đang làm gia tăng căng thẳng". "Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho hành động thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay cưỡng ép", Thủ tướng Nhật nói.
Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản cam kết cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines. Nước này cũng thông báo về cuộc thảo luận đối với khoản viện trợ tương tự cho Việt Nam.
* Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 27/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Bà Psaki nêu quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi không có nguồn thông tin độc lập liên quan tới vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục khẳng định rằng chỉ có các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích và quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phía Mỹ sẽ thông qua tất cả các bên để tìm kiếm thông tin liên quan tới vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
*Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế ngày 27/5 đã đưa tin chỉ trích việc tàu của Trung Quốc đâm và làm chìm một tàu cá của Việt Nam giữa lúc quan hệ giữa hai nước căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hãng tin AFP của Pháp cho biết vụ việc xảy ra vào chiều 26/5 khi một tàu cá của Việt Nam bị khoảng 40 tàu của Trung Quốc bao vây trước khi bị đâm chìm. Tàu cá của Việt Nam bị đâm chìm ở phía Tây Nam, cách giàn khoan Hải Dương - 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép khoảng 17 hải lý. Hãng này dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng việc Trung Quốc đâm và làm chìm tàu cá của Việt Nam là một "hành động cực kỳ nguy hiểm".
Hãng tin Reuters của Anh cũng đã đưa tin về hành động ngang ngược của Trung Quốc. Theo Reuters, một tàu cá của Việt Nam xuất phát từ thành phố Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam đã bị 40 tàu cá của Trung Quốc bao vây trước khi bị một tàu của Trung Quốc đâm chìm.
Trong bài "Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam", trang tin Bloomberg đánh giá sự kiện là màn đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước kể từ năm 2007. Bloomberg tiếp tục dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam đã phản ánh "các hành động hết sức nguy hiểm đe dọa mạng sống con người".
Khi đưa tin về sự kiện, tờ New York Times nhận xét vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển nằm gần Hoàng Sa trong ngày 1/5. Việt Nam đã khẳng định vùng biển nơi giàn khoan hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và tuyên bố cân nhắc khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Tờ báo cũng dẫn lời Dennis J. Blasko, cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì nó có thể làm căng thẳng tình hình.
Hãng tin AP nói rằng khoảng 40 tàu cá Trung Quốc đã bao vây các tàu cá Việt Nam trước khi xảy ra vụ việc. Sau đó một trong các tàu cá Trung Quốc đã đâm trúng tàu cá Việt Nam, hất các cư dân xuống biển. Theo AP, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông và điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh ở thế đối đầu với các nước nhỏ hơn, gồm Việt Nam và Philippines. Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn trong việc khẳng định chủ quyền và từ chối hoạt động đàm phán.
Nguyễn Chiến (tổng hợp)