Singapore ghi nhận 24 trường hợp nhiễm Omicron, trong đó có 3 ca trong cộng đồng
Theo TTXVN, trong 3 ngày qua, Singapore ghi nhận thêm 8 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 1 ca trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới này lên 24 ca, với 3 ca nhiễm trong cộng đồng, tập trung tại sân bay Changi.
Ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng mới nhất được Bộ Y tế nước này công bố ngày 16/12 là một nhân viên nam, 42 tuổi, làm việc tại nhà ga số 3, sân bay Changi, được xác định có tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể Omicron trước đó.
Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại Singapore tiếp tục có chiều hướng giảm tích cực. Ngày 16/12, Singapore chỉ ghi nhận thêm 355 ca mắc mới và 1 ca tử vong - mức tử vong thấp nhất theo ngày kể từ ngày 20/9 tới nay.
Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại “đảo quốc sư tử” tính tới hết ngày 16/12 là 274.972 ca, trong đó có 808 ca tử vong.
Singapore đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron, trong đó tiêm mũi vaccine bổ sung và triển khai tiêm cho trẻ em là một phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Omicron.
Bộ Y tế Singapore đang thiết lập các trung tâm tiêm vaccine cho trẻ em để có thể khởi động chiến dịch tiêm vào cuối tháng này.
Indonnesia, Campuchia, Philippines ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm OmicronNgày 16/12, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Ca bệnh là một nhân viên làm việc tại bệnh viện Wisma Atlet ở Jakarta và không ra nước ngoài trước đó.
Theo Bộ trưởng Sadikin, ca bệnh trên được phát hiện vào tối 15/12 và hiện chưa có ca nhiễm biến thể Omicron ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, đến nay có 5 trường hợp nghi nhiễm biến thể này, trong đó có 2 công dân Indonesia mới trở về từ Mỹ và Anh, và 3 công dân Trung Quốc đang cách ly tại Manado thuộc tỉnh North Sulawesi. Nhà chức trách Indonesia đang tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp này.
Kể từ khi được công bố vào cuối tháng 11 vừa qua, biến thể Omicron đã lây lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á là: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.
Trước đó, ngày 15/12, Bộ Y tế Philippines đã thông báo phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thế Omicron, đều là người nhập cảnh. Hai ca nhiễm biến thể Omicron phát hiện từ 48 mẫu được giải trình tự gene ngày 14/12.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, đêm 14/12, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này. Kết quả phân tích, xét nghiệm được viện Pasteur Campuchia công bố cùng ngày.
Theo thông tin của Bộ Y tế Campuchia, trường hợp nhiễm biến thể Omicron nêu trên là một công dân Campuchia đang mang thai tuần thứ 15 từ Ghana quá cảnh Dubai, Thái Lan trở về Campuchia hôm 12/12. Ngay khi bệnh nhân này nhập cảnh cửa khẩu Sân bay quốc tế Phnom Penh, cơ quan y tế Campuchia thực hiện test nhanh phát hiện bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch “Ba bảo vệ- Ba không” do Chính phủ Campuchia đề ra.
Thái Lan xác nhận 11 ca nhiễm Omicron
Cục Dịch vụ Y tế (DMS) của Thái Lan đang kêu gọi người dân nước này tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa COVID-19 do lo ngại khả năng gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron sau kỳ lễ Giáng sinh và đón Năm mới.
Truyền thông sở tại dẫn lời Cục trưởng DMS Somsak Akksilp ngày 14/12 nói rằng biến thể Omicron dường như lây lan nhanh hơn biến thể Delta. Nếu người dân có các triệu chứng nhẹ thì có thể được điều trị khi cách ly tại nhà và cách bảo vệ tốt nhất là tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19.
Ông Somsak nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của biến thể mới sẽ phụ thuộc vào số lượng ca nhiễm, đồng thời nói thêm rằng cho đến nay chưa có bệnh nhân nào nhiễm biến thể mới này ở Thái Lan cần phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Thái Lan hiện đã xác nhận 11 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là người đến từ nước ngoài. Theo ông Wasun Chantratita, người đứng đầu Trung tâm gene tại Bệnh viện Ramathibodi, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) có thể sử dụng xét nghiệm RT-PCR để xác nhận bệnh nhân nhiễm biến thể Delta hay biến thể Omicron. Ngoài ra, Thái Lan cũng nên nhanh chóng tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ nước này vẫn chưa quyết định có điều chỉnh các biện pháp phòng chống COVID-19 hay không sau ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron ở Anh, đồng thời hối thúc tất cả các khu vực phải tuân thủ những hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.
Malaysia 2 ca nhiễm Omicron, 18 trường hợp nghi mắc biến thể mới
Cùng ngày 16/12, Malaysia đã thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, trong đó có cấm tập trung đông người và yêu cầu tiêm liều vaccine tăng cường cho những nhóm người có nguy cơ cao.
Quyết định này được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron và 18 trường hợp nghi nhiễm biến thể này.
Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron là một em nhỏ 8 tuổi, đến nước này cùng gia đình từ Nigeria quá cảnh qua Qatar. Hiện 35 hành khách tiếp xúc gần trên cùng chuyến bay với trường hợp này đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Malaysia thông báo ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào đầu tháng này là một hành khách đến từ Nam Phi.
Theo quy định mới, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, Malaysia cấm tập trung đông người vào dịp Năm mới sắp tới và yêu cầu tự xét nghiệm đối với những người muốn tham gia các hoạt động tư nhân nhân dịp Năm mới và Giáng sinh.
Theo Bộ trưởng Khairy, những công dân Malaysia trên 60 tuổi và người trưởng thành đã tiêm vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) phải tiêm liều tăng cường trước tháng 2/2022 để duy trì chứng nhận đã tiêm đầy đủ vaccine. Hiện Singapore cũng đang cân nhắc chính sách tương tự.
Malaysia đã tạm thời cấm nhập cảnh đối với hành khách nước ngoài đến từ 8 quốc gia ở khu vực phía Nam châu Phi và đưa 9 nước vào danh sách có nguy cơ cao, trong đó có Anh, Mỹ, Australia và Ấn Độ.
Ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại Trung Quốc đại lục
Trong một diễn biến liên quan, dẫn nguồn từ Truyền thông Trung Quốc, ngày 13/12 TTXVN đưa tin, giới chức y tế thành phố Thiên Tân đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại Trung Quốc đại lục.
Đây là một du khách nước ngoài, tới thành phố cảng Thiên Tân hôm 9/12. Bệnh nhân hiện đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện.
Các ca mắc mới COVID-19 ở Trung Quốc đại lục thời gian qua đều là ca nhập cảnh qua các thành phố cảng. Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị các thành phố cảng tăng cường công tác phòng chống dịch.
Theo đó, các thành phố này được yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới.
Ngoài ra, các thành phố cũng phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại những cơ sở lao động có nguy cơ cao, siết chặt quản lý hoạt động ra vào thành phố của người dân và đảm bảo quy trình nhập khẩu thực phẩm đông lạnh được thực hiện an toàn.
Vì sao Omicron lây lan nhanh hơn các biến thể khác?
Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11 vừa qua, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan ra hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh nước này cho biết số ca nhiễm Omicron đã tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 1 tuần, từ tỷ lệ 0,4% lên 2,9% trong tổng số ca mắc COVID-19. Riêng tại New York và New Jersey, tỷ lệ nhiễm Omicron chiếm đến 13%.
Trong khi đó, giới chức y tế Anh cho biết trong một hộ gia đình, nguy cơ lây lan biến thể Omicron từ một người cho các thành viên khác cao gấp 3 lần so với biến thể Delta cũng là biến thể có khả năng lây nhiễm cao.
Các nhà khoa học đã bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân tại sao biến thể Omicron có thể lây lan nhanh như vậy.
Nhà virus học Michael Chan Chi-wai và các đồng nghiệp tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã tiến hành thí nghiệm với mô phế quản của người bằng cách đưa vào mẫu thử các biến thể Delta, Omicron và một biến thể khác lưu hành năm 2020. Kết quả cho thấy trong 24 giờ, biến thể Omicron nhân lên nhanh hơn gấp 70 lần so với biến thể Delta.
Theo nhà miễn dịch học Wilfredo Garcia-Beltran thuộc Viện Ragon của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ), phát hiện trên cho thấy các đột biến của Omicron đã đẩy nhanh quá trình xâm nhập hoặc nhân lên của biến thể này trong mô phế quản. Tuy nhiên, chưa rõ phát hiện này liên quan thế nào với tải lượng virus bên trong hệ hô hấp của một người.
Nhóm nghiên cứu trên cũng đã tiến hành thí nghiệm với mô phổi. Đáng chú ý là ở mô phổi, biến thể Omicron xâm nhập tế bào ít hơn so với biến thể Delta hoặc chủng virus gốc.
Việc Omicron xâm nhập phế quản mạnh hơn xâm nhập phổi có thể giải thích cho việc biến thể này có thể ít gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta hoặc chủng virus gốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy.
Trên mạng xã hội Twitter, nhà miễn dịch học Marc Veldhoen thuộc Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) lưu ý rằng việc biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn Delta là không tốt, nhất là khi cơ thể không có miễn dịch. Nếu không có khả năng miễn dịch, virus có thể nhanh chóng lan từ phế quản đến phổi và các cơ quan khác, gây nguy cơ bệnh nặng.
Nghiên cứu trên cũng tương đồng với một nghiên cứu khác được nhà khoa học Garcia-Beltran và các đồng nghiệp công bố ngày 14/12, theo đó biến thể Omicron lây lan mạnh hơn biến thể Delta.
Sử dụng virus giả, họ phát hiện ra rằng protein gai của Omicron giúp biến thể này xâm nhập tế bào tốt hơn protein gai của biến thể Delta hoặc chủng virus gốc. Protein gai là vùng bám vào tế bào người để gây lây nhiễm.
Theo nhóm chuyên gia này, biến thể Omicron có khả năng lây truyền mạnh gấp 4 lần so với chủng gốc SARS-CoV-2 và gấp 2 lần so với biến thể Delta. Các dữ liệu cho thấy biến thể Omicron có thể lây lan kể cả khi tải lượng virus thấp hơn biến thể Delta và chủng virus gốc.
Không nên vội vàng kết luận biến thể Omicron chỉ gây bệnh nhẹ
Đến cuối tháng 12 năm nay mới có thể có được những kết luận chính xác về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ Anurag Agrawal - Giám đốc Viện Gene và Sinh học tích hợp Ấn Độ (IGIB) đã đưa ra đánh giá trên, đồng thời bác bỏ những kết luận cho rằng biến thể Omicron chỉ gây biến chứng nhẹ.
Theo nhà khoa học hàng đầu của Ấn Độ này, thông thường người bệnh đều có những biểu hiện nhẹ giai đoạn đầu nhiễm virus. Ông hy vọng diễn biến thực tế về sự lây lan của Omicron tại Nam Phi cũng sẽ giống như tại Ấn Độ. Bởi trước đó, theo các chuyên gia y tế Nam Phi - nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên và báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào cuối tháng 11, kết quả theo dõi thực tế các ca nhiễm cho thấy Omicron gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể như Delta và Beta, dù tốc độ lây lan của biến thể này rất nhanh.
Tuy nhiên, ông Anurag Agrawal cảnh báo dù chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ, các biến thể cũng có khả năng khiến hệ thống chăm sóc y tế tại các nước suy sụp. Do đó, ông cho rằng Ấn Độ vẫn nên hy vọng về hiện thực tốt đẹp nhất, song cũng cần chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó cho kịch bản xấu nhất. Bởi theo ông, với quy mô dân số đông như Ấn Độ, số ca bệnh nặng cũng đủ làm sập hệ thống y tế trên toàn quốc.
Lý giải về thực tế giai đoạn đầu hiện nay khi biến thể Omicron mới chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ và ít gây nguy hiểm ở những trường hợp nhiễm, ông cho rằng người trẻ tuổi đang là những đối tượng dễ nhiễm do tần suất đi lại cao của nhóm người này. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm sẽ dần mở rộng ra trong khuôn khổ các gia đình, người lớn tuổi và người dễ bị tổn thương.
Ngày 2/12, Ấn Độ phát hiện hai ca nhiễm Omicron đầu tiên tại bang miền Nam Karnataka và tính đến ngày 15/12, nước này đã phát hiện tổng cộng 32 ca nhiễm Omicron. Hiện Omicron đã xuất hiện tại các bang như Kerala, Maharashtra, Tây Bengal và Tamil Nadu./.