![]() |
Chèo lái nền kinh tế Mỹ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên của Tổng thống Obama trong năm 2010. Ảnh minh họa |
Một năm nhìn lại
Với chủ trương “thay đổi” nước Mỹ, Chính phủ của Tổng thống Obama đã đưa ra một số thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại so với Chính phủ của Đảng Cộng hòa trước đây. Tuy nhiên, với “di sản” được thừa hưởng từ Chính phủ tiền nhiệm là một đất nước đang chìm trong khủng hoảng tài chính-kinh tế, hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông đang giậm chân tại chỗ... thì việc khôi phục hình ảnh một nước Mỹ cường quốc không phải là việc dễ làm trong một sớm một chiều.
Về đối nội: Trong năm đầu tiên cầm quyền, Tổng thống B. Obama đã phải đối mặt với nền kinh tế Mỹ “suy thoái nặng”, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Dù đạt được một số tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, thì trên thực tế, tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công của nước này hiện đang ở mức khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp cao, mức sống giảm sút…
Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10,2% hồi tháng 10/2009, mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. Thâm hụt ngân sách đã tạo ra một kỷ lục mới trong lịch sử nước Mỹ: 1.420 tỷ USD, tương đương 9,9% GDP. Trong năm tài chính 2008-2009 có tới hơn 49 triệu người Mỹ (khoảng 14,6% hộ gia đình) bị đứt bữa; khoảng 16,7 triệu trẻ em Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm. 45 triệu người Mỹ khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế do không có bảo hiểm y tế... |
Tổng thống Obama cũng phải đối mặt với các vấn đề như chính sách nhập cư, việc thông qua một đạo luật về biến đổi khí hậu và tạo việc làm trong một nền công nghiệp năng lượng xanh…
Trong khi đó, nội bộ Đảng Dân chủ đã có những bất đồng về chính sách đối nội và đối ngoại của Chính phủ. Quá trình thành lập Chính phủ đã xảy ra những trục trặc, kéo dài, và trong những tháng qua đã có ba nhân vật cấp cao trong chính quyền từ chức, trong đó có cố vấn pháp lý chủ chốt của Tổng thống Obama.
Tại các cuộc bầu cử Thống đốc tiểu bang hồi đầu tháng 11/2009, Đảng Cộng hòa giành ghế Thống đốc tại cả hai bang Virginia và New Jersey. Sự kiện này được báo chí Mỹ cho là "cú đấm chính trị" đối với ông Obama, đe dọa vận mệnh của Đảng Dân chủ.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn và trở ngại lớn cho Washington trong việc thực hiện các mục tiêu về an ninh và đối ngoại.
Tổng thống Obama tuyên bố ưu tiên giải quyết vấn đề Afghanistan, rút hết quân khỏi Iraq, mang lại "làn gió mới" cho vấn đề Trung Đông và vấn đề hạt nhân của Iran, "giang rộng cánh tay" với thế giới Hồi giáo, tìm cách mở rộng hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên những lĩnh vực có chung lợi ích. Những tuyên bố của Tổng thống B. Obama về chính sách đối ngoại được cho là đáng quan tâm nhưng đã và đang vấp phải sự phản kháng ở các mức độ khác nhau…
Mạng tin RealClearPolitics ngày 19/1 cho biết, xét về tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ vào thời điểm 1 năm sau ngày nhậm chức, Tổng thống Obama “đã bị tụt xuống vị trí thứ 3 từ dưới lên trong 11 Tổng thống Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai”. Đây là điều bất ngờ vì Tổng thống Obama đã từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Mỹ cũng như của dư luận thế giới sau ngày nhậm chức. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đã bị tụt rất nhanh trong năm cầm quyền đầu tiên, chỉ với 50% số người ủng hộ.
Những ưu tiên trong năm 2010
Năm 2010
được dự báo sẽ vẫn là một năm thử thách đầy sóng gió đối với Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ. Những ưu tiên cần giải quyết trong năm 2010 đã được Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ đưa ra.
Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama là giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 2 con số. Dù kinh tế Mỹ đã phục hồi tăng trưởng trong quý III/2009, song thị trường việc làm vẫn còn yếu kém. Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ xem xét dự luật trị giá 155 tỷ USD hỗ trợ tạo việc làm mà Hạ viện đã thông qua ngày 16/12/2009. Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội nới lỏng các hạn chế đối với Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Về cải cách y tế: Tổng thống Obama đã nhận được một món quà lớn đầy ý nghĩa vào dịp lễ Giáng sinh khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cải cách y tế. Tuy nhiên, ông cũng phải trả giá khi mất đi sự ủng hộ của những nhân vật ôn hòa và độc lập do chi phí khổng lồ cho dự luật này là vì các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đang tỏ quyết tâm ngăn cản ông Obama ký thành luật đối với dự luật này trong năm 2010.
Giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc giảm thâm hụt lâu dài -một chủ đề có thể được đề cập trong Thông điệp Liên bang sắp tới. Tuy nhiên, dự kiến về ngắn hạn chi tiêu chính phủ vẫn sẽ tăng do kinh tế Mỹ phục hồi chậm hơn so với dự kiến.
Về vấn đề biến đổi khí hậu: Sau khi đạt được một thỏa thuận không mang tính ràng buộc tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) hồi tháng 12/2009, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với khó khăn khi nỗ thúc đẩy thông qua một dự luật tại Thượng viện về việc cắt giảm khí CO2 tại Mỹ. Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cắt giảm 17% lượng khí thải vào năm 2020 song dự luật tương tự vẫn đang bị “tắc” ở Thượng viện và gặp phải phản đối mạnh mẽ của nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa cũng như các nhà lập pháp từ các tiểu bang sản xuất than đá và dầu mỏ.
Quả thật, với khối lượng công việc như vậy, năm 2010 sẽ là một năm vất vả nữa của ông Obama.
Nguyễn Chiến