In bài viết

Một người chết não có thể cứu sống tới 50 người

(Chinhphu.vn) - Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này rất phát triển và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới.

09/12/2016 18:46
Giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý". Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý" ngày 12/9 do Báo Công an nhân dân phối hợp với Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, số lượng bệnh nhân có nhu cầu được ghép tạng rất lớn. Chỉ tính riêng trong số bệnh nhân có nhu cầu ghép thận thì có 60.000 người suy thận và với những trường hợp này, ghép tạng là giải pháp cuối cùng.

“Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nói.

Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Hiện nay, tùy từng cơ sở y tế, từng bộ phận được ghép sẽ có giá thành được Bảo hiểm Y tế chi trả khác nhau. Cụ thể 1 ca ghép tim hiện nay có chi phí khoảng 1 tỷ đồng; 1 ca ghép gan có chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng; 1 ca ghép thận có chi phí từ 300-500 triệu đồng.

Thống kê tại một số bệnh viện (BV) lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… trung bình một ngày có từ 2-4 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não, thậm chí có ngày ở BV Việt Đức có đến 18 ca chết não (do TNGT, chấn thương sọ não… dẫn tới tử vong) nhưng không có trường hợp nào tự nguyện hiến mô, tạng. Số lượng người không may mắn này là rất lớn, nhưng số lượng mô, tạng được hiến và cứu sống người bệnh vẫn khiêm tốn.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người, những bộ phận người bình thường có thể hiến rất nhiều mô như: Gân, da, giác mạc... Tạng gồm có: Gan, phổi, tim, thận, ruột, tủy…Tuy nhiên với trường hợp là người sống muốn hiến mô, tạng thì chỉ hiến được một số bộ phận như: Thận nếu quả thận còn lại hoàn toàn khỏe mạnh; một phần lá gan. Trường hợp người chết não, có thể hiến tim, phổi.

Tim chỉ có thể hiến trong trường hợp chết tim 4 tiếng và chết não trong vòng 24h. Đặc biệt một người chết não với các tạng bình thường có thể tận dụng tất cả các mô tạng này, cứu sống tới 50 người.

Tuy nhiên, PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng cho biết, do chúng ta làm truyền thông chưa tốt, bởi quan niệm, phong tục tập quán của đa số người Việt hiện nay là 'chết phải toàn thây' nên nhiều người và gia đình không có ý định hiến mô, tạng sau khi họ hoặc thân nhân của họ qua đời.

“Việc truyền thông về hiến mô tạng phải cần tới 10-20 năm, thậm chí nhiều hơn nữa, nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Ví dụ như hiến máu nhân đạo, cách đây hơn chục năm là cái gì đó rất khó, người ta chỉ bán mà ít khi hiến. Nhưng hiện tại, hiến máu nhân đạo đã trở thành phong trào được nhiều người tham gia”, ông Đồng Văn Hệ nói.

Tính đến ngày 6/12/2016, có 6.659 người tình nguyện đăng ký hiến tạng sau khi chết.

Báo động tình trạng mua bán nội tạng trái phép

Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, tội phạm mua bán người có tính quốc tế hóa, hoạt động thành những mạng lưới, đường dây mua bán. Trong đó, địa bàn mua bán chủ yếu từ Việt Nam sang Trung Quốc (chiếm đến 60-70% tổng số vụ), ngoài ra còn sang Lào, Đài Loan, Nam Phi, Campuchia… Tội phạm mua bán người thu lợi nhuận khổng lồ, được đánh giá chỉ sau mua bán ma túy.

Cũng theo Đại tá Trần Mười, qua công tác nghiệp vụ, cho thấy hiện nay tình hình tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi biên giới phía bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều vụ buôn bán người có quy mô lớn xuyên quốc gia đã bị phát hiện. Ví dụ gần đây là vụ 17 cháu bé bị đưa sang Đài Loan, hoặc vụ 5 cháu bé sơ sinh ở TPHCM bị bán sang Trung Quốc... Đây là những dấu hiệu cho thấy tội phạm buôn bán người, thậm chí là nguy cơ buôn bán nội tạng, có hiện hữu.

“Chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu đường dây buôn bán nội tạng từ Việt Nam sang Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan. Hiện các đơn vị đang tích cực đấu tranh, điều tra”, Đại tá Trần Mười cho biết.

Hằng năm, ước tính có đến hàng chục nghìn vụ mua bán nội tạng người trái phép xảy ra ở nước ta, nhưng trên thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Ở Việt Nam mỗi năm có đến hơn 1.000 ca ghép tạng, nhưng rất khó xác minh được có trái phép hay không.

Nguyên nhân của thực trạng này là do cầu vượt quá cung; thiếu những quy định của pháp luật; nhận thức của người dân còn thấp; tuyên truyền của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả… Tội phạm mua bán nội tạng người lợi dụng nhu cầu và sự kém hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi phạm tội của mình.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý những trượng hợp mua bán trái phép nội tạng người.

Ý tưởng ghép đầu người ở Việt Nam bao giờ thành hiện thực?

PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, ý tưởng về việc ghép đầu người không phải là mới. Trên thế giới và Việt Nam đều có những chuyên gia đã nghiên cứu cũng như thực hiện một số ca cấy ghép trên động vật. Tại Việt Nam cũng đã từng thực hiện 2 ca ghép đầu động vật (chó) vào năm 1968. Tuy nhiên các mẫu vật sau đó chỉ sống được từ 3-10 tiếng.

Ghép đầu không phải là quá viển vông, tuy nhiên giới khoa học hiện chưa tin tưởng vào khả năng của việc ghép đầu do chưa thể khiến cơ thể sau ghép vận động tứ chi bình thường do tuỷ sống đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tiến hành ghép.

Hiện nay có một Giáo sư hệ thần kinh người Italy dự định thực hiện một ca ghép đầu tại Trung Quốc vào năm 2017. Tuy nhiên chưa rõ là ca ghép có thành công hay không. Mặc dù khó tin nhưng mọi thứ đều có thể với khoa học nên hy vọng thế giới và Việt Nam sớm thực hiện được ca ghép đầu thành công trong tương lai.

Thúy Hà