In bài viết

Một số góp ý về vật quyền trong Dự thảo BLDS

(Chinhphu.vn) – Góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), PGS. TS Bùi Đăng Hiếu (ĐH Luật Hà Nội) đề nghị xem xét, điều chỉnh, làm rõ một số quy định về vật quyền như: Chiếm hữu, quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt…

27/03/2015 07:30

Cân nhắc sự cần thiết của quy định về chiếm hữu

Bản chất của quy định về chiếm hữu là tạm thời suy đoán quyền sở hữu cho những người đang thực hiện việc chiếm hữu trên thực tế nhằm tránh sự cưỡng đoạt tài sản bằng vũ lực. Do vậy có thể đạt được mục tiêu này bằng việc bổ sung vào mục "Quyền sở hữu" một quy định về nguyên tắc suy đoán quyền sở hữu.

Quy định “Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu” là không hợp lý, vì đã phủ nhận toàn bộ các trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu được quy định tại Điều 179 Dự thảo. Vấn đề có được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu hay không phụ thuộc vào việc chiếm hữu có căn cứ pháp luật hay không có căn cứ pháp luật, chiếm hữu có ngay tình hay chiếm hữu không ngay tình.

Đồng thời, cần phân biệt giữa chiếm hữu ngay tình với chiếm hữu hợp pháp. Trong trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật (không hợp pháp) thì mới phân chia thành ngay tình hay không ngay tình. Theo người viết, không nên yêu cầu người chiếm hữu ngay tình phải trình căn cứ hợp pháp của mình. Cần xác định sự “ngay tình” hay “không ngay tình” dựa trên niềm tin của người đó biết hay không biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật.

Quy định về chiếm hữu liên tục trong Dự thảo cũng chưa hợp lý. Chiếm hữu có liên tục hay không liên tục không phụ thuộc vào việc trong quá trình chiếm hữu đó có xảy ra tranh chấp hay không xảy ra tranh chấp. Riêng sự kiện có tranh chấp xảy ra chỉ nói lên việc có ai đó muốn phủ nhận hay khẳng định quyền lợi của mình đối với tài sản đó. Thực sự người tranh chấp có quyền hay không còn phụ thuộc vào phán quyết của tòa án. Chiếm hữu liên tục khi trong suốt thời gian đó người chiếm hữu không bao giờ thể hiện ý chí từ bỏ quyền chiếm hữu của mình.

Cũng theo Dự thảo “Trường hợp có yêu cầu về quyền sở hữu hoặc các vật quyền khác đối với tài sản đang được người khác chiếm hữu thì cơ quan có thẩm quyền chỉ thụ lý giải quyết với điều kiện người có yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm với người chiếm hữu và khôi phục tình trạng ban đầu (nếu có)”. Quy định này có thực sự cần thiết không? Chủ sở hữu lấy lại tài sản của mình thì phải được coi là hợp pháp. Chỉ nên loại trừ trường hợp chủ sở hữu sử dụng vũ lực thôi.

“Địa dịch” hay “quyền địa dịch”?

Điều 183 của Dự thảo quy định các vật quyền khác có ghi quyền địa dịch. Tuy nhiên, tiêu đề Mục 1 Chương XIV lại là “Địa dịch”. Vậy quy định chính xác là “địa dịch” hay “quyền địa dịch”? Theo Điều 270 của Dự thảo “Địa dịch được đăng ký có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân. Địa dịch không đăng ký chỉ phát sinh hiệu lực đối với hai chủ sở hữu bất động sản liên quan”. Quy định này có ý nghĩa gì? Tại sao phải phân biệt hiệu lực với tất cả mọi người và hiệu lực đối với hai chủ sở hữu?

Còn Điều 271 của Dự thảo quy định, Địa dịch được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng địa dịch phù hợp với mục đích sử dụng bất động sản”. Việc đề ra nguyên tắc phải đáp ứng nhu cầu “phù hợp với mục đích sử dụng bất động sản” có thể là quá nhiều. Bản chất ở đây là sự phiền lụy chủ sở hữu chịu địa dịch, là ngoại lệ của nguyên tắc bảo vệ chủ sở hữu, nên chỉ cần đáp ứng nhu cầu tối thiểu của chủ sở hữu hưởng địa dịch là được.

Ngoài ra, nên chuyển quy định “Chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản khác” (Điều 273) sang Mục Hạn chế quyền sở hữu bởi đây là nghĩa vụ của chủ sở hữu chứ không phải là quyền địa dịch.

Điều 274, khoản 1 có đoạn quy định “Chủ sở hữu bất động sản liền kề có lối đi được đền bù tương ứng những thiệt hại phát sinh”, bản chất của số tiền này là bù đắp cho sự phiền lụy đối với chủ sở hữu chịu địa dịch chứ không phải là bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy thì chủ sở hữu chịu địa dịch không thể chứng minh được thiệt hại của mình.

Làm rõ một số nội dung của quyền hưởng dụng

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định “Quyền hưởng dụng là một quyền mà chủ thể có quyền đó được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ vật thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, với điều kiện việc thực hiện quyền này không được làm thay đổi tính chất, tính năng sử dụng của vật đó”.

Khái niệm trên mới chỉ nêu lên quyền sử dụng của người không phải chủ sở hữu, chứ chưa giúp phân biệt được quyền hưởng dụng này với quyền của bên thuê trong hợp đồng thuê, bên mượn trong hợp đồng mượn.

Quy định “Đối tượng của quyền hưởng dụng có thể là bất động sản, động sản là vật” tối nghĩa và không hợp lý. Ngay tại các quy định phía dưới có cả quyền hưởng dụng đối với cổ phần, mà cổ phần thường được xếp vào nhóm động sản dưới dạng quyền tài sản.

Một quy định nữa, không thuộc phạm vi điều chỉnh của chế định vật quyền, đó là “Chủ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp vào công ty có quyền tham dự các cuộc họp của đại hội cổ đông hoặc hội nghị thành viên công ty nhằm sửa đổi điều lệ công ty; người hưởng dụng  có quyền tham dự các cuộc họp khác của đại hội đồng cổ đông hoặc hội nghị thành viên công ty với tư cách người nắm giữ số cổ phần hoặc phần vốn góp liên quan”.

Ngoài ra, từ “dùng” trong quy định “Quyền dùng vật của người khác và quyền ở nhà của người kháccó phải là “sử dụng” không? Quyền dùng vật của người khác này có phải là quyền hưởng dụng không? Nếu đúng là quyền hưởng dụng thì có đặc thù gì mà phải quy định thành điều riêng với thuật ngữ riêng như vậy?

Nên phân biệt rõ “quyền bề mặt” với “quyền sở hữu vật trên đất”

Điều 291 của Dự thảo nêu khái niệm quyền bề mặt như sau: “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể được sử dụng mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”.

Theo người viết, cần cân nhắc mục đích của quy định về quyền bề mặt là để nhằm giải quyết vấn đề gì? Bởi, quy định như thế này sẽ dẫn đến thực trạng là Nhà nước là chủ sở hữu, người khác được giao quyền sử dụng đất, rồi người khác nữa lại được giao quyền bề mặt. Điều này càng gây khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý nguồn tài nguyên đất.

Do vậy, nên xây dựng khái niệm quyền bề mặt để thay thế cho khái niệm quyền sử dụng đất hiện hành. Khi đó chỉ còn Nhà nước và chủ thể được Nhà nước giao quyền bề mặt mà thôi.

Quyền bề mặt tồn tại từ trước khi có vật trên đất và tồn tại độc lập với quyền sở hữu vật trên đất. Nếu vật trên đất không còn nữa thì quyền bề mặt vẫn tồn tại, chủ thể quyền bề mặt có thể tạo lập vật mới trên bề mặt đó.

Quy định tại Điều 294 “Chủ thể quyền bề mặt có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật đó” làm cho không phân biệt được chủ sở hữu với chủ thể của quyền bề mặt.

Và khoản 1, khoản 2 Điều 295 dường như đã nhầm lẫn quyền bề mặt với quyền sở hữu vật trên đất. Vật trên đất không còn thì quyền bề mặt không chấm dứt. Người có quyền bề mặt có thể tạo dựng vật mới trên bề mặt đó.

Quyền bề mặt là vật quyền chứ không phải là một loại tài sản, do vậy không nên dùng thuật ngữ “chủ sở hữu” ở đây.

PGS.TS Bùi Đăng Hiếu