Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng. Ảnh: VGP |
Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 10 tháng năm 2018 và kết quả kiểm tra tháng 10 của Tổ công tác.
Trong tháng 10, Tổ công tác đã tiến hành 02 cuộc kiểm tra đối với các Bộ trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh; kiểm tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.
Chuyển biến rất tích cực
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, qua kiểm tra, việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến rất tích cực so với tháng trước.
Về kiểm tra chuyên ngành, theo kế hoạch, các Bộ phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản (06 nghị định, 01 quyết định và 21 Thông tư) để đơn giản, cắt giảm 6.003/9.926 dòng hàng phải kiểm tra và 74 thủ tục.
Đến nay, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra (tương đương 68,2% tổng số điều kiện, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Kết quả đạt được cụ thể của các Bộ: Lao động- Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng; Khoa học và Công nghệ (22/24); Công Thương (402/702); Thông tin và Truyền thông (89/146); Xây dựng (33/64); Giao thông vận tải (80/134 dòng hàng và đơn giản 07 thủ tục); Tài nguyên và Môi trường (38/74); Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cắt giảm, đơn giản 51/171 dòng hàng và đơn giản hóa 9/10 thủ tục).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đơn giản, cắt giảm 5.898 dòng hàng; Bộ Y tế đã bãi bỏ 01 mặt hàng với 05 dòng hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; 810 dòng hàng của 04 mặt hàng còn lại đã áp dụng theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành).
Về cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, theo kế hoạch, các Bộ, cơ quan có ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền ban hành 70 văn bản (19 luật; 51 nghị định) để đơn giản, cắt giảm 3.794/6.191 điều kiện.
Đến nay, các Bộ đã trình ban hành được 22 văn bản (1 luật và 21 nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao, tăng 1.871 điều kiện - tăng 60,4% so tháng trước).
Kết quả đạt được cụ thể của từng Bộ: Công Thương cắt giảm 675/1.216 điều kiện, vượt 5,5%; Y tế đơn giản, cắt giảm 1.343/1.871 điều kiện, vượt 21,78%; Xây dựng cắt giảm 183/215 điều kiện, vượt 35,12%; Tài nguyên và Môi trường đơn giản, cắt giảm 101/163 điều kiện, vượt 12%; Giáo dục và Đào tạo đơn giản, cắt giảm 121/212 điều kiện, vượt 7.08%.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đơn giản, cắt giảm 60/112 điều kiện, vượt 3,57% và cắt giảm 75/85 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và PTNT đơn giản, cắt giảm 172/345 điều kiện, đạt 50%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn giản, cắt giảm 63/122 điều kiện, vượt 1,6%; Thông tin và Truyền thông đơn giản, cắt giảm 26/385 điều kiện, đạt 13%; Bộ Giao thông vận tải đơn giản, cắt giảm 243/570 điều kiện, đạt 42,6%; Bộ Tư pháp đơn giản, cắt giảm 07/94 điều kiện, đạt 7,45%; Ngân hàng Nhà nước đơn giản cắt giảm 27 điều kiện.
Những kết quả trên cho thấy chuyển biến mạnh so với thời điểm cuối tháng 9, khi các Bộ mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng, 30 thủ tục và 1.133 điều kiện kinh doanh.
Còn một số tồn tại, cần tập trung cao độ để xử lý
Trong 10 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 17.411 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 8.792 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.354 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 265 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9%, giảm 0,1% so với tháng trước). |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ, qua rà soát cho thấy, hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn còn một số tồn tại.
Cụ thể, chưa đẩy mạnh việc kết nối thông tin kết quả kiểm tra giữa các cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành, do đó chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro, công nhận kết quả kiểm tra trong việc phân tích đánh giá thông tin về doanh nghiệp, dẫn đến kiểm tra còn trùng lắp, cùng một mặt hàng, hãng sản xuất nhưng lần nào doanh nghiệp cũng bị kiểm tra với tỷ lệ phát hiện hàng hóa không đạt chất lượng rất thấp (chiếm khoảng 0,06% trên tổng số lô hàng kiểm tra).
Một số Bộ đã ban hành văn bản bãi bỏ danh mục hoặc chuyển thời điểm kiểm tra mặt hàng thuộc quản lý từ giai đoạn kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan song vẫn quy định doanh nghiệp phải nộp chứng từ cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.
Số lượng thủ tục triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia còn thấp (đạt 53/283 thủ tục so với yêu cầu của Thủ tướng).
Việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, không bảo đảm tiến độ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện còn 48 văn bản (18 luật, 30 nghị định) về cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh chưa được ban hành.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung các luật, đã được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2019; đối với các nghị định, hiện các Bộ đã hoàn thiện dự thảo, đang trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, trừ một số nghị định mang tính đặc thù thuộc trách nhiệm của một số Bộ: Công an, Quốc phòng xin được trình vào quý I/2019.
Cùng với đó, theo kế hoạch, hiện còn 07 văn bản liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được ban hành.
Tổ công tác đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, không để phát sinh nợ đọng mới.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được về đơn giản, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành tính toán lợi ích kinh tế mang lại cho doanh nghiệp, xã hội và các tác động tích cực đến hiệu lực, hiệu quả nhà nước, gửi kết quả để Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018.
“Tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, Tổ công tác kiến nghị.
Hà Chính