Theo phản ánh của Công ty Vàng trang sức Việt Nam, ngày 31/12/2018 và ngày 26/6/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành Thông tư số 49/2018/TT-NHNN và Thông tư số 06/2019/TT-NHNN có các điều khoản sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2014/TT-NHNN hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ. Tuy nhiên, việc sửa đổi này gây khó khăn trong việc tra cứu, cụ thể như sau:
Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 16/2014/TT-NHNN hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ sau khi được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 49/2018/TT-NHNN và Thông tư số 06/2019/TT-NHNN như sau:
“Điều 3. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là tổ chức người cư trú là tổ chức được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
1. Thu:
... d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:
- Thu từ việc mua ngoại tệ chuyển khoản tại các tổ chức tín dụng được phép;
- Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thu ngoại tệ chuyển khoản phát sinh từ các giao dịch nhận chi trả gốc và lãi tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ phù hợp với quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn.
- Thu chuyển khoản ngoại tệ từ tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án dầu khí”.
Theo ý kiến của Công ty Vàng trang sức Việt Nam, thông tư này thiếu khoa học và gây khó khăn trong tra cứu khi có các quy định mới, lấy một thông tư để sửa đổi bổ sung một thông tư không cùng tên gọi (và cũng không gọi là thông tư sửa đổi, bổ sung), có quá nhiều các ký hiệu gạch đầu dòng trong một điểm…
Đối chiếu với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: “Mỗi điểm trong bố cục của văn bản chỉ được thể hiện một ý và phải được trình bày trong một câu hoàn chỉnh hoặc một đoạn, không sử dụng các ký hiệu khác để thể hiện các ý trong một điểm”.
Như vậy, Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 16/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 49/2018/TT-NHNN và Thông tư số 06/2019/TT-NHNN là thể hiện thành 4 ý, phân thành nhiều câu, nhiều đoạn, sử dụng quá nhiều ký hiệu gạch đầu dòng, không bảo đảm theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, Công ty Vàng trang sức Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị ký ban hành để kịp thời có biện pháp điều chỉnh tạo thuận tiện, dễ đọc, dễ tra cứu cho cá nhân, tổ chức; bảo đảm bố cục điểm văn bản không dàn thành nhiều ý, nhiều đoạn, nhiều gạch đầu dòng như tại các văn bản đã ban hành; thay thế các thông tư hiện hành vi phạm quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:
Về việc một Thông tư sửa đổi, bổ sung nhiều Thông tư
Khoản 3, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2012 quy định: “Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan ban hành”.
Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư để đồng thời để sửa đổi, bổ sung nội dung trong các Thông tư khác do Ngân hàng Nhà nước ban hành là có cơ sở pháp lý theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, theo quy định của Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hợp nhất góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Do đó, việc doanh nghiệp cho rằng Thông tư được sửa đổi bởi nhiều Thông tư khác gây khó khăn trong việc tra cứu khi có các quy định mới là chưa phù hợp.
Về tên văn bản
Khoản 1, Điều 60 Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:
“1. Tên văn bản gồm tên loại và tên gọi của văn bản. Tên loại văn bản là tên của từng loại văn bản theo quy định của Luật. Tên gọi của văn bản là một câu ngắn gọn hoặc một cụm từ, phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của văn bản ”.
Căn cứ quy định nêu trên, tên gọi trong Thông tư của Ngân hàng Nhà nước chỉ khái quát nội dung chủ yếu của Thông tư được sửa đổi, bổ sung là phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 60 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã dẫn trên.
Trên thực tế, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ ghi tên gọi của văn bản chính được ban hành, sửa đổi, bổ sung (Ví dụ: Luật Quy hoạch 2017 ngoài việc ban hành Luật Quy hoạch còn sửa đổi, bổ sung các Luật sau: Luật Công nghệ thông tin, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật khám, chữa bệnh, Luật Viễn thông, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...).
Việc sử dụng ký hiệu gạch đầu dòng
Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 16/2014/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 49/2018/TT-NHNN, Thông tư số 06/2019/TT-NHNN) quy định:
“d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:
- Thu từ việc mua ngoại tệ chuyển khoản tại các tổ chức tín dụng được phép;
- Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam;
- Thu ngoại tệ chuyển khoản phát sinh từ các giao dịch nhận chỉ trả gốc và lãi tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ phù hợp với quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn;
- Thu chuyển ngoại tệ từ tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án dầu khí”.
Theo ý kiến của doanh nghiệp, việc sử dụng ký hiệu gạch đầu dòng là không phù hợp với Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, Thông tư số 16/2014/ND-CP được ban hành trước ngày Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm ban hành Thông tư số 16/2014/TT- NHNN không có quy định không được sử dụng ký hiệu gạch đầu dòng trong văn bản quy phạm pháp luật.
Chinhphu.vn