In bài viết

Mùa hoa loa kèn, nỗi nhớ tuổi thơ

(Chinhphu.vn) - Những chùm hoa loa kèn đầu mùa đã xuống phố. Một màu trắng tinh khôi cứ theo chân những gánh hàng hoa len lỏi qua các con phố, mang đến cho Hà Nội một cảnh sắc mới…

24/05/2010 15:56

Vậy nhưng, hoa loa kèn lại gợi trong tôi những ký ức không phai mờ.

Chẳng biết tự bao giờ loài hoa trắng trong tinh khôi ấy đã tô điểm phố phường Hà Nội mỗi độ hè về? Chỉ biết rằng tuổi thơ tôi những năm 60 của thế kỷ trước đã thấy in dấu trong tâm trí hình ảnh hoa loa kèn trong bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân (sáng tác năm 1943) được treo trang trọng trong phòng khách của gia đình (tất nhiên đó là tranh phiên bản)! Ngày ấy, tôi còn nhỏ mới dăm bảy tuổi, chỉ nghe người lớn gọi đó là hoa huệ tây, có lẽ để phân biệt với hoa huệ ta mà ai cũng biết.

Chuyện bức tranh trong phòng khách còn dựng lại trong tôi kỷ niệm về một gia đình, một tuổi thơ êm trôi trong lòng một con phố nhỏ đậm chất Hà thành. Đó là hình ảnh của mẹ tôi, các dì của tôi và bạn bè của họ với tà áo dài Việt Nam và mái tóc búi thả trễ về sau vai tạo nên một dáng vẻ thuần khiết, dịu dàng của thiếu nữ Hà Nội, thật hệt như thiếu nữ trong họa phẩm nổi tiếng kia.

Ngày ấy, tủ áo dài của mẹ có tới hàng chục mắc áo dài, nhưng những tà áo màu trằng như màu hoa loa kèn vẫn được mẹ chọn mặc mỗi lần hội nữ sinh trường Trưng Vương tái ngộ.

Nhà ông ngoại tôi là một biệt thự xinh xắn ẩn mình trong phố nhỏ Lữ Gia (sau này đổi tên thành phố Lê Ngọc Hân) tĩnh lặng. Đó là cái tĩnh lặng của Hà Nội cách đây nửa thế kỷ. Con phố chỉ dài chừng hai trăm mét giới hạn bởi hai phố khác là Trần Xuân Soạn và Hòa Mã.

Sau sân nhà tôi là phố Lò Đúc có hàng cây sao cổ thụ. Phố Lò Đúc hồi ấy cò về nhiều vô kể và chúng cũng tặng cho cư dân nơi đây một “đặc sản” khiến cho người Hà Nội lúc đó gọi Lò Đúc là phố “Cò ỉa”!

Còn phố Lữ Gia của tôi là phố cấm xe cộ (mặc dầu lúc đó chỉ toàn xe đạp, xích lô), dưới lòng đường người ta kê rất nhiều bàn bóng bàn và tự nhiên cả dân phố tôi thành tay vợt của CLB bóng bàn!

Tôi nhớ là phố đẹp và thanh bình đến mức bàn bóng giữa trưa hè vẫn râm mát do hàng cây bàng cổ thụ có tán rất dày che nắng, che mưa. Hàng ngày, lách cách tiếng trái bóng nhựa trên bàn, dân phố từ trẻ đến già cùng chơi bóng.

Phố lại có quy định rất nghiêm như trường quân sự đó là buổi trưa từ 12h đến 13h30 là giờ nghỉ trưa, tất cả mọi nhà phải giữ im lặng, trật tự! Không hiểu sao một quy định “cứng” như thế mà hồi đó được dân phố chấp hành rất tự giác và nghiêm chỉnh. Bọn trẻ chúng tôi muốn không ngủ trưa thì phải rủ nhau lẻn ra ngoài đi sang phố khác mới chơi bời, la hét được!

Năm mươi năm trôi qua, giờ trở lại chốn cũ, cảnh vật và người  xưa không còn! Lịch sử, dòng đời biến thiên cũng là lẽ thường tình. Phố Lê Ngọc Hân giờ đây không còn yên ắng nữa, nhà cửa hai bên phố đã được cải tạo, xây mới lại hiện đại rất nhiều, có tòa nhà to vật vã và màu sắc lòe loẹt như ai đặt nhầm vào chốn này(?!) Rồi hàng ăn, hàng uống đua nhau chen ra mặt phố, còn đâu cái lệnh “giới nghiêm” im lặng vào buổi trưa mỗi ngày…Phố Lò Đúc ở phía sau nhà tôi, hàng cây sao già nua vẫn còn đứng đó nhưng phân cò thì “bói” không ra…

Đi trên phố cũ, lòng miên man nỗi nhớ. Nhìn cảnh, nhớ người, đâu rồi ngoại của tôi với chòm râu bạc và người mẹ hiền cũng đã khuất xa…

May thay, bức họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” vẫn theo được chân người cậu út đem vào phương Nam trong một căn nhà mới ở đất Sài Thành, như một chút của Hà Nội giữa nắng gió Nam bộ.

Nhìn ra đường, nắng tháng Năm đã chói hơn và những gánh hoa loa kèn vẫn đơm đầy trên phố, người Hà Nội mua hoa loa kèn rất nhiều… Có lẽ, ai đó cũng có một kỷ niệm về Hà Nội như tôi mỗi khi mùa hoa loa kèn về. Nhưng mà, hoa loa kèn bây giờ phần lớn là hoa kép, khác với xưa loa kèn đơn, mỗi cành chỉ cho một hoa!

Trần Vũ