Cầu Ngòi Thia bị lũ cuốn trôi 1 mố, làm sập nhịp cầu. Ảnh: Báo Yên Bái |
Yên Bái: Sập cầu Ngòi Thia; nhiều người bị lũ cuốn trôi
Vào lúc 12 giờ trưa nay (11/10), nước lũ trên suối Ngòi Thia dâng cao đã cuốn trôi 1 mố và nhịp cầu, cắt đứt hoàn toàn giao thông từ Văn Chấn vào Nghĩa Lộ.
Thông tin ban đầu có ít nhất 2 người bị cuốn trôi tại thời điểm cầu sập.
Còn theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 9 giờ sáng 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người ở xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn bị lũ cuốn trôi; trên 234 ngôi nhà bị thiệt hại (trong đó, 8 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 13 hộ phải di dời khẩn cấp, 213 ngôi nhà bị ngập).
Tại huyện Trạm Tấu, đến 16 giờ ngày 11/10, đã có 9 người chết và mất tích tập trung ở 2 xã Hát Lừu và Xà Hồ (trong đó 3 người chết đã tìm thấy thi thể), 6 người bị thương.
Trước mắt, huyện hỗ trợ mỗi gia đình có người chết là 10 triệu đồng và đưa 6 nạn nhân bị thương đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.
Hiện, trên địa bàn huyện Trạm Tấu vẫn còn mưa, song công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, do tuyến đường giao thông từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu bị cắt đứt hoàn toàn với hàng trăm điểm sạt lở taluy, đồng thời chia cắt nhiều tuyến đường khác, huyện Trạm Tấu đang bị cô lập, mất toàn bộ điện lưới và mạng Internet.
Nhà máy Thủy điện Bái Thượng bị ngập hoàn toàn. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Thanh Hóa: 4 người chết, 1 người mất tích; Thủy điện Cửa Đạt bị ngập hoàn toàn
Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục, nhiều thôn, bản ở các xã Vạn Xuân, Luận Khê, Tân Thành, Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân) bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Tính đến trưa ngày 11/10, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã có 3 người chết, 1 một người mất tích. Nhà máy thủy điện Cửa Đạt bị ngập hoàn toàn. Toàn bộ cao trình sàn lắp đặt 2 tổ máy ở Nhà máy thủy điện Xuân Minh bị ngập. Tất cả các tuyến đường trên địa bàn huyện đã bị ách tắc do cây đổ, sạt lở đất.
Hiện tại, huyện Thường Xuân đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành các phương án cứu nạn, cứu hộ và di dân đến nơi an toàn.
Còn tại huyện Nông Cống, mưa lũ trên địa bàn đã làm 1 người chết, hơn 2.500 nhà dân bị ngập trong nước, hàng trăm ha cây vụ Đông có nguy cơ mất trắng, trong đó có 183 ha ngô, 40 ha khoai lang, 55 ha ớt xuất khẩu, 244 ha rau màu các loại...
Mưa lớn làm ngập nhiều diện tích lúa, hoa màu, chia cắt địa hình tại xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn. Ảnh: Báo Phú Thọ |
Phú Thọ: Nhiều khu dân cư vùng cao bị cô lập
Mưa lớn kéo dài trên diện rộng cũng đã gây lũ trên một số sông, suối nhỏ và làm một số xã, thị trấn thuộc các huyện vùng cao như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) bị ngập úng cục bộ, nước suối qua nhiều đập tràn dâng cao, chảy xiết khiến nhiều khu dân cư bị cô lập. Đê bao sông Bứa thuộc địa bàn xã Quang Húc, huyện Tam Nông bị tràn gây ngập úng nhiều diện tích lúa, hoa mầu của dân…
Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết do mưa lớn kéo dài, nước lũ dâng nhanh đã khiến một số xã Xuân Sơn, tuyến Xuân Đài - Kim Thượng, Lai Đồng, Văn Luông, Tam Thanh... bị cô lập.
Đến 9 giờ sáng ngày 11/10, trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người nhưng mưa lũ đã cuốn trôi 6 con bò, 19,3 ha lúa của bà con đã gặt nhưng chưa kịp mang về; 8,2 ha ngô và hoa màu bị cuốn trôi, vùi lấp; 41 ao cá bị vỡ, tràn bờ; khoảng 20 hộ dân phải sơ tán, 50 nhà dân bị đất xô; 17 vị trí đường giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện đến xã bị sạt lở.Tại Hòa Bình, do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã sảy ra lũ quét và sạt lở nghiêm trọng.
Nước dâng cao ở các ngầm, trục đường 433 từ huyện đến các xã đã bị chia cắt, cô lập và đã gây ra lũ ống, lũ quét tại nhiều xã.
Tại xóm Hày, xã Đồng Ruộng lũ đã cuốn trôi nhà của 2 hộ dân; 6 người của hai nhà này cũng bị lũ cuốn, trong đó đã tìm thấy thi thể của 2 người, hiện mất tích 4 người. Tại xã Đồng Chum, mưa lũ đã cuốn trôi 1 người. Tại xã Suối Nánh, lũ cuốn trôi 2 xe ô tô, hiện số người mất tích chưa xác định được.
Tại xã Yên Hòa, lũ cuốn trôi 1 ngôi nhà; 1 người bị thương do nước lũ cuốn. Hàng trăm ha lúa dọc các suối bị đất cát vùi lấp.
Văn Ba