In bài viết

Mua sắm tài sản từ Quỹ phát triển sự nghiệp thực hiện thế nào?

(Chinhphu.vn) - Ông Trần Văn Hiệp (Hà Nội) làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo mức 1 quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

05/12/2022 14:02

Cơ quan ông trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định. Cơ quan dự kiến mua sắm tài sản (một số máy điều hòa) với giá trị 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Ông Hiệp hỏi, việc mua sắm tài sản này có phải thực hiện theo thủ tục đầu tư công như quy định tại Điều 14.3 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP không? Hay chỉ cần tuân thủ các quy định về mua sắm tài sản theo quy định hiện hành?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP)

- Tại Khoản 2 Điều 14 (đối với đơn vị sự nghiệp nhóm 1 và nhóm 2): 

"1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:a) Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Trích tối thiểu 25%;

… đ) Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

2. Sử dụng các Quỹ:

a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; mua bản quyền tác phẩm, chương trình; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có);....".

Tại Điểm e, Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC hướng dẫn sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Thông tư 58/2016/TT-BTC):

"…2. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm:…e) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập;…".

Căn cứ Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 58/2016/TT-BTC hướng dẫn sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quy định:

- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC:

"1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng:

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên. 

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

…i) Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thì áp dụng theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực...

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

"Điều 5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ:

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định mua sắm tài sản công tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 37 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 13 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam;

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ khác (không thuộc đối tượng là tài sản công) quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này áp dụng quy định như mua sắm tài sản công."

Do vậy, đề nghị ông nghiên cứu các quy định nêu trên để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Trong đó, đối với việc mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư 68/2022/TT-BTC và Thông tư 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Chinhphu.vn