Ảnh minh họa.V.Nhiên
Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, cây trồng cạn, ngắn ngày phụ thuộc vào nước trời còn chiếm một tỷ trọng khá lớn. Năng xuất, sản lượng của những loại cây trồng này có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đây là những loại cây trồng thời vụ và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong đó nhân tố chủ đạo là nước mưa nên việc bố trí thời vụ sao cho phù hợp, khai thác được lợi thế của thiên nhiên và tránh được nhưng tác động tiêu cực từ những biến động của khí hậu thời tiết là vấn đề quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của một vụ sản xuất.
Mùa sinh trưởng của cây trồng được định nghĩa là thời kỳ mà lượng mưa vượt quá một nửa lượng bốc thoát hơi tiềm năng cộng thêm số ngày đủ để bốc hơi một trữ lượng ẩm 100mm trong đất sau khi mùa mưa kết thúc. Như vậy, mùa sinh trưởng bình thường của cây trồng bao gồm một thời kỳ đủ ẩm, loại trừ thời gian mà mặc dù đủ ẩm nhưng không đủ nhiệt độ cho cây phát triển. Thời kỳ sinh trưởng được chia ra làm 4 giai đoạn. (1)Giai đoạn có ẩm để bắt đầu sinh trưởng: Sự bắt đầu của thời kỳ này là lúc mà lượng mưa đạt bằng một nửa lượng bốc thoát hơi tiềm năng, cũng là lúc đạt lượng ẩm tối thiểu cần thiết cho hạt nảy mầm. (2)Giai đoạn ẩm: Thời kỳ cây cối phát triển bình thường, có lượng mưa đáp ứng đầy đủ lượng bốc thoát hơi của cây trồng khi mà tán cây đã phát triển hoàn chỉnh, cũng như bù đắp đươc sự thiếu hụt của đất. (3)Giai đoạn thiếu ẩm, kết thúc mùa mưa: Sau những tháng mưa lớn, lượng mưa giảm thấp hơn lượng bốc thoát hơi tiềm năng và cây trồng phải sử dụng lượng ẩm tích lũy trong đất. Khi lượng mưa giảm mạnh, sự thiếu hụt ẩm tăng lên làm thay đổi các phản ứng sinh lý của cây trồng, tức là khi lượng mưa nhỏ hơn một nửa lượng bốc thoát hơi tiềm năng, cây trồng buộc phải đạt được độ thành thục. (4) Giai đoạn khô, kết thúc mùa sinh trưởng. Phần lớn thời kỳ sinh trưởng của cây trồng kéo dài hơn mùa mưa nhờ vào việc sử dụng lượng trữ ẩm trong đất. Lượng trữ ẩm này thay đổi tùy theo độ sâu của đất, hệ thống rễ của cây và đặc điểm cơ lý của đất.
Trong mùa sinh trưởng, không phải điều kiện thời tiết lúc nào cũng thuận lợi. Thực tế ở Tây Nguyên luôn thường trực những yếu tố giới hạn. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là mưa lớn gây ngập lụt. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 11 có thể có từ 5 - 7 đợt mưa lũ gây ngập lụt. Những năm ngập lụt nghiêm trọng, diện tích ảnh hưởng thiệt hại có thể lên tới 25 – 40% tổng diện tích gieo trồng. Tiếp theo là tình trạng khô hạn trong mùa mưa – đây cũng là một yếu tố giới hạn thường xảy ra ở một số vùng của Tây Nguyên; hàng ngàn ha cây trồng có thể bị gián đoạn sinh trưởng và có thể thiệt hại rất nặng khi có hai tuần liên tục có lượng mưa nhỏ hơn 30mm. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết như mưa dầm dài ngày, gió Tây khô nóng, tố lốc, mưa đá cũng là những nhân tố giới hạn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng.
Ở Tây Nguyên thường có 4 tháng không đủ ẩm mỗi năm (từ tháng 12 đến tháng 3).Thời kỳ này có lượng mưa quá bé trong khi lượng bốc thoát hơi tiềm năng lại quá lớn – Đây là thời kỳ mà cây trồng không thể sinh trưởng nhờ nước Trời được. Lượng mưa trong thời kỳ này chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng mưa năm và nhiều nơi có tới vài tháng liên tục có lượng mưa không quá 5mm/tháng. Ngược lại, lượng mưa trong mùa mưa lại rất phong phú với khoảng 4 đến 5 tháng có lượng mưa tháng đạt từ 200mm trở lên; riêng vùng đông nam tỉnh Gia Lai chỉ có 2 tháng lượng mưa vượt 200mm/tháng. Do có thời gian mùa khô kéo dài, lượng bức xạ mặt trời lớn nên lượng bốc thoát hơi tiềm năng ở Tây Nguyên cũng rất cao, trung bình từ 1100 đến 1300mm/năm; riêng Buôn Ma Thuột đạt trên 1400mm/năm. Tháng có lượng lượng bốc thoát hơi tiềm năng lớn nhất là tháng 3, nhỏ nhất là tháng 10, tháng 11 hoặc tháng 12 tùy theo từng vùng. Nhiệt độ trung bình năm đạt từ 21 – 23 0 C, riêng vùng đông nam tỉnh Gia Lai đạt trên 25 0 C. Tháng nóng nhất là tháng 3, tháng 4; tháng lạnh nhất là tháng 1. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối biến đổi tương đối mạnh, một số nơi nhiệt độ cao nhất có thể lên 35 – 40 0 C; Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối thay đổi từ 5 – 8 0 C. Biên độ nhiệt ngày từ 8 – 10 0 c. Số giờ nắng ở các nơi biến động từ 2000 đến 2450 giờ/năm. Các tháng mùa khô thường có số giờ nắng đạt trên 200 giờ, tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 3 ( 260 giờ), thấp nhất là tháng 8 (xấp xỉ 100 giờ). Cán cân bức xạ năm ở Tây Nguyên đạt xấp xỉ 80Kal/cm 2 . Tháng 4 có cán cân bức xạ cao nhất, gần 10kal/cm 2 ; tháng có cán cân bức xạ thấp nhất là tháng 12, đạt từ 4 – 5kal/cm 2 .
Theo tập quán canh tác lâu đời ở Tây Nguyên, vào khoảng tháng 3 hàng năm, khi những cơn mưa rải rác xuất hiện cũng là lúc người nông dân có sự chuẩn bị cho một vụ gieo trồng mới, nương dãy được phát dọn sạch sẽ, giống, sức lao động được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng. Việc còn lại là chờ ông Trời cho mưa tương đối đều và đủ ẩm là trồng trỉa. Trước đây, khi bố trí thời vụ sản xuất nông nghiệp người nông dân hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm lâu năm truyền từ đời này qua đời khác. Những khi mưa thuận, gió hòa thì mùa màng bội thu. Ngược lại khi thời tiết không thuận lợi, nông dân lại là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, có khi mùa màng mất trắng. Ngày nay, sự phát triển của khoa học đã giúp con người sớm nhận ra được những biến đổi của thời tiết nên người nông dân đã có thể bớt đi một phần rủi do trong sản xuất. Trước khi bắt đầu mùa vụ mới cần thiết phải xem xét đến thời gian liên tục có mức độ đảm bảo đủ hàm lượng ẩm của đất do mưa cung cấp. Qua nghiên cứu thực nghiệm, các nhà khoa học khuyến cáo rằng: Đối với những diện tích canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào mưa thì một thời kỳ đủ ẩm là thời kỳ lượng mưa vượt một nửa lượng bốc hơi tiềm năng. Theo đó, nếu lượng mưa tháng đạt từ 92mm trở lên thì đủ đảm bảo cho cây trồng cạn và 174mm trở lên đủ đảm bảo cho cây lúa nước.
Để xác định mức độ đảm bảo về hàm lượng ẩm của đất đã đủ cho việc gieo trồng được thuận lợi hay chưa? Người nông dân thường chọn lúc hạn nhất trong mùa khô làm mốc, từ đó cộng lại những lượng mưa trở về sau cho đến khi đạt được một lượng tích lũy bằng 75mm là thời điểm bắt đầu thời vụ các cây trồng cạn và 200mm là thời điểm bắt đầu thời vụ lúa nước. Số liệu quan trắc nhiều năm cho thấy lượng mưa tích lũy từ tháng 1 đến hết tháng 3 ở Tây Nguyên thường chỉ đạt dưới 75mm. Cũng có một số vùng có mưa sớm như các huyện phía nam tỉnh Đắk Nông; vùng Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng (lượng mưa tích lũy đến hết tháng 3 ở những vùng này có thể đạt xấp xỉ hoặc cao hơn 100mm). Xét theo mức độ đảm bảo của các yếu tố thời tiết như hàm lượng ẩm, nhiệt độ không khí, số giờ nắng, bốc hơi,... thì ở phần lớn diện tích đất canh tác nhờ nước trời của Tây Nguyên chỉ có thể bắt đầu gieo trồng thuận lợi từ khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5. Số ít vùng có mưa sớm có thể bắt đầu gieo trồng sớm hơn (khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4). Ngược lại ở các vùng trũng thấp khuất gió và vùng phía Đông các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk do có thời gian mùa mưa đến muộn và lượng mưa năm đạt thấp hơn các vùng khác nên chỉ có thể gieo trồng thuận lợi từ giữa hoặc cuối tháng 5. Tuy nhiên, những mốc trên đây cũng chỉ phù hợp với những năm được xem là mưa thuận gió hòa; sự bắt đầu mùa mưa phù hợp hoặc sớm hơn so với quy luật nhiều năm. Còn những năm đặc biệt, mùa khô kéo dài, hạn hán nghiêm trọng như năm 1998 hay năm 2005 chẳng hạn thì thời điểm bắt đầu gieo trồng còn lùi về sau khá nhiều.
Cũng cần nhấn mạnh rằng việc xác định thời điểm bắt đầu gieo trồng trên đây chủ yếu là cho cây trồng cạn có thời vụ ngắn và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Chỉ tiêu xác định chủ yếu là mức độ đảm bảo của thời tiết, trong đó yếu tố mưa ẩm là chủ đạo. Trong thực tế sản xuất, việc xác định thời điểm bắt đầu gieo trồng còn cần phải tham khảo thêm các yếu tố khác như loại cây trồng; tập quán canh tác của mỗi địa phương, mỗi dân tộc; khả năng mưa sau khi đã gieo trồng,vv.. bởi mỗi loại cây trồng có nhu cầu nước khác nhau, thời gian sinh trưởng khác nhau và đặc biệt một số loại cây trồng còn cần phải tính đến khả năng thời tiết ở thời điểm thu hoạch. Chẳng hạn như các cây trồng : Đậu, lạc, lúa,v.v.. nếu thời kỳ thu hoach trúng vào kỳ cao điểm của mùa mưa, (thường rơi vào tháng 8) với nhiệt độ, độ ẩm không khí cao, ít ánh nắng mặt trời thì sẽ rất khó khăn cho việc phơi khô và bảo quản.
KS. Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum