Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt Đức |
Điều mà các doanh nghiệp quan tâm và trông chờ trong năm 2016 là các chính sách “mở cửa”. Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua chủ trương ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP được coi là một hiệp định thế hệ mới yêu cầu sự đồng nhất chặt chẽ giữa các nước thành viên. Việt Nam được đánh giá là nước sẽ được hưởng lợi từ TPP. Cùng với đó là việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhất trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, trong đó đặc biệt là hai ngành may mặc và giày da. Trong các lĩnh vực chế biến nông thủy sản, du lịch dịch vụ Việt Nam cũng có nhiều lợi thế.
Khi hội nhập sâu rộng các hiệp định thương mại quốc tế thì tạo ra cho Việt Nam chúng ta phải có sự thay đổi về thể chế quản lý kinh tế để phù hợp hội nhập và quan trọng hơn là tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đưa nước ta tiến dần đến kinh tế thị trường. Nhà nước phải chuyển từ Nhà nước mệnh lệnh sang nhà nước phục vụ. Thay đổi bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, chính sách hay nói cách khác, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển để cho các thành phần kinh tế phát huy tối đa nội lực, đóng góp tối đa cho nền kinh tế.
Hiện nay chúng ta vẫn đang đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đây là tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, khiến nền kinh tế dân chủ hơn. Chúng ta cũng đã thay đổi hàng loạt các luật liên quan đến kinh tế, doanh nghiệp để tháo gỡ những hạn chế, bất cập, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là hệ thống doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Việt Nam muốn hội nhập sâu và rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu thì cần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Doanh nghiệp phụ trợ phải chiếm tỷ lệ 40-50% vào chuỗi sản xuất thì mới thúc đẩy công nghiệp phát triển tốt.
Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội để thông qua Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa (có thể trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên của năm 2016) để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.
Trong năm vừa qua chúng ta đã quản lý được lạm phát, hạ được lãi suất vay, tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Năm 2016 vừa là năm của kỳ vọng nhưng cũng là năm của hành động. Hy vọng trong năm 2016, đất nước sẽ có những chuyển mình quan trọng.
“Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và các nhà hoạch định chính sách”
Ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản |
Có thể nói năm 2016 là năm bước vào thời kỳ hội nhập sâu hơn với khu vực ASEAN, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương (TPP) nên đây sẽ là năm mở ra những cơ hội lớn. Cộng đồng doanh nghiệp đều tin rằng với sự hội nhập, nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn, kim ngạch xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm chính là năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, liệu doanh nghiệp và người lao động có tận dụng được cơ hội không?
Năm 2016, doanh nghiệp sẽ phải đứng trước những thách thức về vốn, công nghệ kỹ thuật và lao động.
Hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp phải có vốn lớn nhưng thực tế hiện nay, những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn ở Việt Nam không nhiều và có doanh nghiệp đang chìm trong thị trường bất động sản, ngân hàng, trong khi những doanh nghiệp khác để huy động vốn nhằm đáp ứng hội nhập rất khó. Chẳng hạn như ngành dệt, hiện rất cần vốn để thành lập các nhà máy nhưng với mức lãi suất hiện nay là 6% thì việc huy động vốn sẽ rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, đã có nguồn vốn lớn và được hưởng ưu đãi về chính sách về vốn tại nước họ.
Doanh nghiệp cần công nghệ, kỹ thuật nhưng hiện nay có thể nói doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ chưa thực sự gặp nhau. Các nhà khoa học công nghệ trong nước hiện không thiên về nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất, do đó doanh nghiệp chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ nước ngoài.
Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt về lao động. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn thâu tóm các doanh nghiệp trong nước, sẽ đẩy mạnh việc thu hút lao động với mức lương cao hơn. Trong khi lực lượng lao động tại các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn còn ở mức trình độ và năng suất kém. Mặc dù Chính phủ đã ban hành những chính sách mới về bảo hiểm xã hội, tăng mức lương cơ bản vùng nhưng các doanh nghiệp sẽ vẫn phải đối diện với gánh nặng về cạnh tranh lao động lớn.
Nhà nước đã ban hành những chính sách thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng những chính sách mới nhằm “cởi trói” sức sản xuất để đi lên còn chưa kịp thời….
Do đó, trong năm 2016, để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách để khơi dậy được nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước. Tôi tin rằng năm 2016 Nhà nước sẽ có những chính sách đột phá hơn, tôn trọng quy luật của thị trường hơn.
“Tiếp tục cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”
Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội |
Năm 2016, chỉ số đánh giá động thái doanh nghiệp có xu hướng tăng so với năm 2015 về doanh số lao động, lượng đơn đặt hàng, hiệu suất lao động, quy mô lao động… Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ vẫn chịu nhiều tổn thương hơn so với các doanh nghiệp lớn do sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Doanh nghiệp kỳ vọng năm 2016, về chính sách, Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tài chính thông thoáng, bình đẳng, công khai, minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ mới trong kinh doanh, sản xuất, đổi mới.
Ngoài ra, là việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân vì đây là lực lượng chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ tới đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2016 được đánh giá là năm mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đánh thức tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp. Việc xây dựng một chương trình khởi nghiệp là cần thiết, giúp tìm ra người tài, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên khi xây dựng chương trình khởi nghiệp cần chú ý tìm nguồn tài chính ổn định cho dự án để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguồn vốn này nên là nguồn vốn dài hạn trong vài năm.
Chương trình cũng cần có sự lựa chọn trọng điểm, như trong 1.000 người lựa chọn ra 100 người có năng lực, chú ý thắt chặt đầu ra.
Đồng thời, cần có sự đánh giá, giám sát minh bạch, công bằng đối với người khởi nghiệp và các nhà đầu tư để chương trình đạt được kết quả như kỳ vọng.
“Khởi nghiệp quốc gia cần sự chung tay của DN lớn”
Ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng |
Việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến năm 2016 trở thành năm cơ hội rất lớn với nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hội nhập nhưng cũng phải đối diện với nhiều thử thách, buộc các doanh nghiệp phải vươn lên, tìm kiếm những cơ hội trong khu vực, cũng như buộc phải tìm kiếm các cơ hội hợp tác, những nhà cung cấp mới, thị trường mới.
Do đó, doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ đưa ra những giải pháp mang tầm quốc gia cho vấn đề hội nhập. Để làm được điều này, các chính sách ban hành mới cần đạt được kỳ vọng và nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, cơ quan chức năng cần hệ thống lại các văn bản dưới luật một cách bài bản, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận, sử dụng.
Một nội dung quan trọng là cần khởi xướng Chương trình khởi nghiệp Quốc gia, trong đó có sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp lớn để tăng cường sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Các hội, hiệp hội có vai trò rất quan trọng trong việc đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có Luật về Hội, Hiệp hội doanh nghiệp. Do đó, trước mắt cần có các văn bản dưới luật rõ ràng hơn để nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội.
Trong năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng sự thành công của Đại hội Đảng sẽ tạo ra cộng hưởng đổi mới. Thông qua các Đại hội địa phương, doanh nghiệp đã nhìn thấy một tập thể lãnh đạo mới, trẻ, được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến. Hy vọng các địa phương sẽ đổi mới các chính sách ngay từ địa phương mình và để các doanh nghiệp tham gia đóng góp nhiều hơn, cải cách hành chính, làm mới nền sản xuất địa phương.
Ngoài ra, thông qua hội nhập, chính sách trong nước sẽ buộc phải phù hợp với chính sách khu vực. Trong đó, cách tư duy về chính sách đối với doanh nghiệp sẽ được đổi mới, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thúy An - Hằng Hoa